Cần có cơ chế đặc thù cho giáo viên, cán bộ làm công tác dân tộc

Ngày 11/9, Ban dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Học viện chính trị khu vực I, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ tổ chức tọa đàm khoa học 'Tình hình thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua và những vấn đề đặt ra tại TP Cần Thơ'.

Ông Trần Hậu phát biểu tại tọa đàm.

Ông Trần Hậu, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài “Tình hình thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua và những vấn đề đặt ra tại TP Cần Thơ” cho biết: Trong tình hình hiện nay, vấn đề dân tộc trở nên nổi trội hơn bao giờ hết, trong đó đặc biệt là công tác thực hiện chính sách dân tộc và những vấn đề đặt ra còn nhiều bất cập, các địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc…

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ, trên địa bàn hiện có trên 1,25 triệu người, trong đó có gần 39.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 3,11% dân số toàn thành phố. Thực hiện chỉ thị số 1971/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các quyết định của Chính phủ phê duyệt, Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

Đến cuối năm 2017, công tác thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đã triển khai hỗ trợ cho 1.054 hộ nghèo dân tộc được thụ hưởng, tổng vốn thực hiện trên 13 tỷ đồng; xây dựng 3 khu dân cư dành cho đồng bào dân tộc tại huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn kinh phí thực hiện trên 29 tỷ đồng; thực hiện chuyển đổi nghề cho trên 460 hộ dân…từ đó công tác giảm nghèo được giảm đáng kể, cụ thể đầu năm 2017, hộ nghèo dân tộc thiểu số có 1.146 hộ, chiếm 12,80%, đến cuối năm giảm còn 8,15%...

Ông Lê Nguyễn Sinh Nhựt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ nhìn nhận: Việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc từng lúc, từng nơi còn nhiều hạn chế, tỷ lệ chênh lệch nghèo giữa các dân tộc có khoảng cách khá xa; trình độ dân trí một bộ phận đồng bào dân tộc còn chưa tương xứng với yêu cầu và phát triển xã hội; tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào cơ quan các cấp, các ngành còn ít…

Quang cảnh Tọa đàm.

Dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ cũng kiến nghị với Trung ương cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tự nguyện dạy tiếng Khmer, tiếng dân tộc khác tại chùa, thôn, xóm, bản làng và đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác dân tộc ở các cấp; mở thêm các lớp đào tạo đại học, sau đại học chuyên ngành về công tác dân tộc; cần ban hành cơ chế về kinh phí cho các địa phương hỗ trợ xây dựng các nhà hỏa táng theo hướng hiện đại, không ảnh hưởng đến môi trường…

Ông Tống Văn Nhịn, Phó Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ cho biết, ngay tên gọi về tên dân tộc Khmer nhiều nơi gọi tên còn khác nhau, cụ thể có nơi gọi là Khơ me, có nơi lại gọi Khomre. Tôi mong rằng, qua tọa đàm này đề nghị ông Trần Hậu, Chủ nhiệm đề tài “Tình hình thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua và những vấn đề đặt ra tại TP Cần Thơ” cần có đề xuất về thống nhất tên gọi chung cho cả nước để thuận tiện hơn…

Tọa đàm tập trung phân tích về đặc điểm tình hình dân tộc và công tác dân tộc của TP Cần Thơ và đánh giá về kết quả thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua. Trong đó đi sâu vào việc nâng cao nhận thức, kết quả thực hiện chủ trương của Đảng về “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển” trong công tác dân tộc trên địa bàn TP Cần Thơ; những thành tựu, kết quả và hạn chế chủ yếu trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở Cần Thơ trong những năm qua; phân tích nguyên nhân của thực trạng và những vấn đề đặt ra cho công tác dân tộc của Cần Thơ.

Quốc Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-noi-co-so/can-co-co-che-dac-thu-cho-giao-vien-can-bo-lam-cong-tac-dan-toc-tintuc415295