Cần có cơ chế để cổ vật 'hồi hương'

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đã đến lúc phải có những giải pháp để có thể thu hồi cổ vật bị thất lạc một cách bài bản. Cùng với đó là tạo cơ chế và hành lang pháp lý để lượng cổ cật đang thất lạc ở nước ngoài có thể 'hồi hương' một cách thuận lợi.

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

PV: Sau nhiều năm thất lạc, nhiều cổ vật quý của quốc gia đã “hồi hương”, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng, người ta càng tôn trọng di sản, quá khứ của mỗi một dân tộc.

Từ những câu chuyện tích cực vừa qua trong việc “hồi hương” cổ vật khiến tôi nhớ lại rất nhiều cơ hội mà chúng ta đã bỏ lỡ trong việc đưa cổ vật về nước. Chúng ta đang thiếu cơ chế, điều kiện để tham gia đấu giá và thu hồi lại. Đã đến lúc nhà quản lý cần đưa ra giải pháp để có thể thu hồi lại cổ vật một cách bài bản trên cơ sở pháp lý, trên cơ sở nguồn lực và đặc biệt trên cơ sở về nhận thức giá trị của những di sản đó.

Tôi cũng đã có kiến nghị về việc Chính phủ nên chủ động làm một chương trình. Trước hết là tiến hành điều tra xem những nguồn di sản của nước ta ở nước ngoài như thế nào. Vì đất nước ta có hàng nghìn năm lịch sử, chúng ta có nhiều di sản vật thể và phi vật thể, đã có nhiều biến cố lịch sử làm xáo trộn, mất mát. Chỉ riêng thời điểm năm 1885, khi quân Pháp đánh vào kinh thành Huế, lịch sử đã chứng nhận nhiều tài sản của nhà Nguyễn bị đưa ra nước ngoài. Và thời kỳ sau này do cách quản lý mà nhiều cổ vật bị thất thoát, “chảy máu”… Vì thế chúng ta cần có một cuộc điều tra thông qua bộ máy các quốc gia và phối hợp với bà con Việt kiều, những nhà sưu vật, nhà nghiên cứu cổ vật Việt Nam ở nước ngoài. Ít nhất chúng ta phải có một danh sách để đánh giá, định lượng cổ vật. Tiếp theo đó có kế hoạch hợp tác, quan hệ ngoại giao về văn hóa để đưa cổ vật về nước. Khi có đường lối chiến lược hợp lý, chúng ta sẽ từng bước đưa được về nước những cổ vật quý.

Tuy nhiên qua đó cũng có thể thấy thực trạng “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài trong thời gian qua. Theo ông cách nào để ngăn chặn thực trạng này?

- Cần phải nói, nguyên nhân đầu tiên để xảy ra tình trạng “chảy máu” cổ vật đó là do quản lý của chúng ta còn lỏng lẻo. Nguyên nhân thứ hai là yếu tố khách quan, có nghĩa là cổ vật của Việt Nam có giá trị cao cho nên nhiều người bỏ tiền, bàn cách để sưu tập… Tuy nhiên, hiện nay cổ vật quốc gia thất lạc ra nước ngoài đã ít hơn, một phần là do cổ vật đã cạn kiệt. Bên cạnh đó là ý thức của những người có trách nhiệm bảo tồn trong nước đã được nâng lên. Họ biết được giá trị và có nhiều người ra nước ngoài để tìm hiểu và mang cổ vật trở về.

Vấn đề cơ chế, xây dựng hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho việc đưa cổ vật “hồi hương” vẫn luôn là vấn đề trọng yếu. Theo ông cần phải làm thế nào để việc “hồi hương” cổ vật một cách thuận lợi?

- Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngành Di sản nên có những trao đổi. Sắp tới sẽ sửa đổi Luật Di sản thì cần nghiên cứu làm sao để tạo hành lang pháp lý để cổ vật quốc gia đang lưu lạc nước ngoài có thể thuận lợi “hồi hương” theo phương diện của nhà nước hoặc người dân.

Những cổ vật này khi đưa về nước nên trưng bày để nhân dân được chiêm ngưỡng hay bảo quản, cất giữ?

- Đây là một vấn đề lớn.

Những người có bộ sưu tập muốn trưng bày lại phải đi thuê chỗ trưng bày, nhà nước không có hành lang pháp lý, hạ tầng cơ sở để khuyến khích họ. Để làm một cuộc trưng bày không phải là đơn giản từ vấn đề xin phép và thẩm định khoa học… Mặc dù Luật Di sản đã mở ra điều kiện khá thuận lợi cho việc bảo tàng tư nhân hình thành nhưng mô hình bảo tàng này chưa có một cơ chế nào để khuyến khích phát triển. Chính vì thế đã hạn chế nhiệt huyết của các nhà sưu tập. Tôi cho đó là những vấn đề ngành di sản phải quan tâm. Quan trọng nhất đối với những nhà sưu tập đó là tạo ra môi trường sinh thái để hoạt động thuận lợi.

Người sưu tập nào cũng muốn phô diễn, thể hiện giá trị của bộ sưu tập, khi đó xã hội được hưởng. Trên cơ sở đó chúng ta có kế hoạch thu mua hoặc vận động đóng góp, như vậy bảo tàng của Nhà nước mới ngày càng phong phú. Khi Nhà nước bỏ tiền ra mang cổ vật về đương nhiên sẽ trưng bày. Nhưng cái khó làm sao để nhân dân được biết tới và vừa bảo tồn và phát huy mới là điều quan trọng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Sỹ (Thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/can-co-co-che-de-co-vat-hoi-huong-5702782.html