Cần có đánh giá tác động sâu của Luật Thi hành án hình sự sửa đổi

Việc sửa đổi các quy định của Luật Thi hành án hình sự 2010 để phù hợp với các Luật về tố tụng mới ban hành và thể chế tinh thần của Hiến pháp về quyền con người…là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nhiều nội dung chưa có đánh giá tác động hoặc còn quá sơ sài.

Đó là nhận định của UBTP khi thẩm tra dự án Luật sửa đổi này.

Sửa đổi 92/182 điều, bổ sung 52 điều

Ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình trước Quốc hội về việc sửa đổi Luật thi hành án hình sự 2010.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm sự nghiêm minh của bản án, quyết định của Tòa án, tính thống nhất của chính sách hình sự và thể hiện tính nhân đạo; kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Theo đó, các Bộ luật về tố tụng hình sự đã bổ sung nhiều quy định quan trọng và Luật thi hành án hình sự 2010 phải sửa đổi cho phù hợp. Để phù hợp với những luật này, dự thảo Luật (sửa đổi) cần bổ sung các quy định về việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đối với pháp nhân thương mại phạm tội; quy định về thi hành Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án và các quy định khác có liên quan trong việc quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; về nghĩa vụ của người chấp hành án cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo; việc lao động phục vụ cộng đồng của người chấp hành án cải tạo không giam giữ; thi hành biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình trước Quốc hội

Mặt khác, Luật Thi hành án hình sự hiện hành cũng bộc lộ một số bất cập như chưa quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; chưa quy định cụ thể về đồ vật cấm mang vào trại giam; còn thiếu quy định về tiêu chuẩn chế độ ăn, mặc đối với con dưới 36 tháng tuổi, chế độ chăm sóc, khám chữa bệnh cho đối tượng này; vướng mắc trong công tác bố trí giam giữ riêng đối với những đối tượng đặc biệt như người đồng tính, người chuyển giới, người chưa xác định được giới tính... Vì vậy cũng cần sửa đổi Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này so với Luật hiện hành đã mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án, quyết định về đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Do phạm vi sửa đổi rộng (sửa đổi 92/182 điều, bổ sung 52 điều, bãi bỏ 01 mục (Mục 3 Chương X), 04 điều), thay đổi kết cấu của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (bổ sung 01 chương, 07 mục), nhiều nội dung sửa đổi là chính sách lớn, cơ bản của Luật Thi hành án hình sự năm 2010, nên Chính phủ đề nghị Quốc hội cho đổi tên gọi của dự án Luật là Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) thay vì tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 như Nghị quyết số 34/2017/QH14 ngày 07/6/2017 của Quốc hội.

Chưa có đánh giá tác động đầy đủ

Sau khi nghe trình bày Tờ trình, Quốc hội nghe Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Bà Lê Thị Nga cho biết, UBTP tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc mở rộng phạm vi sửa đổi và đổi tên gọi của dự án Luật thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) vì dự thảo Luật sửa đổi rất nhiều nội dung, trong đó có nhiều nội dung là chính sách lớn, cơ bản của Luật hiện hành; dự thảo Luật đã sửa đổi số lượng lớn điều luật, và kết cấu.

Qua xem xét hồ sơ dự án Luật, thấy rằng, dự án Luật này cần được hoàn thiện thêm để bảo đảm chất lượng, tính khả thi và các điều kiện khác theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với một dự án Luật sửa đổi toàn diện và có tính chất phức tạp thì cần có thời gian tương xứng cho việc nghiên cứu thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý và đủ thời gian để ĐBQH nghiên cứu, thảo luận. Do đó, UBTP đề nghị Quốc hội cho phép xem xét, thông qua trong 03 kỳ họp. Như vậy dự án Luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 9/2019).

Liên quan đến nội dung sửa đổi, UBTP đánh giá: Báo cáo đánh giá tác động đã được bổ sung nhưng nhìn chung vẫn sơ sài, chưa đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của nhiều chính sách, nội dung mới, quan trọng, cơ bản của dự án Luật như: trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; cụ thể hóa quy định Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân đối với phạm nhân; về tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam...

Đối với những quy định mới đòi hỏi phải có nguồn lực bảo đảm, nhưng cơ quan soạn thảo chưa đánh giá tính khả thi. Ví dụ: quy định: mỗi tháng, người được giao trực tiếp quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ được hưởng mức hỗ trợ tối thiểu là 25% mức lương cơ sở (các điều: 62, 88 và 103 dự thảo Luật).

Trong khi đó, theo Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2018, thì tổng số người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ lên tới 43.917 người. Như vậy, sẽ phát sinh thêm khoản ngân sách lớn cho việc thi hành án tại cộng đồng, nên cần được đánh giá đầy đủ về tính khả thi.

Đáng lưu ý, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại (bao gồm thi hành các hình phạt: Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Thi hành các biện pháp tư pháp).

Đây là quy định mới, ở nước ta chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhưng trong Báo cáo đánh giá tác động, Cơ quan soạn thảo chỉ đưa ra 02 phương án để lựa chọn là: có quy định hay không quy định thành một Chương trong Luật mà chưa đánh giá cụ thể về tính khả thi của việc thi hành từng loại hình phạt đối với pháp nhân thương mại; chưa quy định hậu quả pháp lý của việc cưỡng chế thi hành án, trong đó có cả cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Do đó UBTP đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung tài liệu, đánh giá tác động, kinh nghiệm quốc tế đối với những nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung của dự án Luật.

Ngoài ra, báo cáo thẩm tra của UBTP cũng đề cập đến một số nội dung cụ thể của dự án Luật, đồng thời đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các vấn đề phạm vi điều chỉnh của Luật; thời gian thông qua Luật; về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam; quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; chế độ lao động của phạm nhân và tổ chức cho phạm nhân lao động; về tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại và những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật này vào chiều ngày 12/11 và thảo luận toàn thể tại hội trường chiều ngày 19/11.

Nguyên Bình

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/can-co-danh-gia-tac-dong-sau-cua-luat-thi-hanh-an-hinh-su-sua-doi-275446.html