Cần có giải pháp giúp người trồng mía ở Long An

Nhiều bạn đọc phản ánh, ở tỉnh Long An, vụ mía 2017 - 2018 đã quá tuổi thu hoạch, nhưng trên đồng vẫn còn hơn 3.000 ha chưa tìm được thương lái để bán, và giá mía đang ở mức rất thấp chỉ khoảng từ 160 nghìn đến 250 nghìn đồng/tấn. Với giá này, sau khi thu hoạch gần như tất cả người trồng mía đều lỗ.

Anh Hoàng Viết Vinh, người trồng mía ở ấp 9, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức (Long An) cho biết: Vụ mía 2017 – 2018 trồng 2,5 ha mía, tổng chi phí đầu tư gần 70 triệu đồng. Ðến nay mía đã quá tuổi thu hoạch nhưng mới bán được 5.000m2 thu được 7,5 triệu đồng, còn 2 ha từ sau Tết Nguyên đán đến nay tìm thương lái bán mà chưa được. Anh Vinh nhẩm tính: 2 ha mía còn bán ngay tại đồng cho thương lái thì thu được khoảng 32 triệu đồng, cộng số tiền bán 5.000m2, tổng cộng được khoảng 40 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư lỗ khoảng 30 triệu đồng. Giá mía nguyên liệu năm nay quá thấp, bán 10kg mía cây không mua được một ly trà đá. Hiện tại, mía thu hoạch vận chuyển bằng xe máy cày được thương lái mua với giá khoảng 180 nghìn đồng/tấn, những ruộng mía nằm bên kênh thủy lợi vận chuyển được bằng ghe thì có giá 250 nghìn đồng/tấn. So với cùng kỳ năm 2017, giá mía nguyên liệu thấp hơn từ 300 nghìn đến 400 nghìn đồng/tấn.

Nông dân Trần Xuân Ba, cùng ở ấp 9, xã Lương Hòa nói: Người trồng mía khu vực xã Lương Hòa và các xã khác thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An đang gặp một vụ mía "đắng". Nhà máy đường Ấn Ðộ (Công ty cổ phần NIVL) nằm ngay trên vùng nguyên liệu xã Lương Hòa nhưng lại hoạt động cầm chừng. Còn các nhà máy đường ở Tây Ninh, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh… lại quá xa vùng mía nguyên liệu cho nên chỉ tham gia thu mua một ít mía ở Long An. Hiện tại, người trồng mía phải chạy kiếm thương lái mỗi ngày mà vẫn chưa tìm được. Nhiều người đang có ý định chuyển sang trồng cây khác.

Ông Nguyễn Văn Sót, Trưởng ấp 9 (xã Lương Hòa) cho biết: Hiện, tại xã Lương Hòa có nhiều diện tích mía được người dân chuyển đổi sang trồng cây chanh không hạt, trồng sắn, trồng sả, trồng riềng, ổi. Tuy nhiên, khó khăn nhất của người nông dân sau khi chuyển đổi là các mặt hàng này giá cả có lúc không ổn định. Hiện tại, nông dân cần được hỗ trợ giải pháp tiêu thụ mía và tái sản xuất. Người dân Lương Hòa giàu lên là nhờ cây mía, nếu không có giải pháp kịp thời thì sẽ mất cây mía trong thời gian tới.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, vụ mía 2017 - 2018 nông dân bốn huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Ðức Hòa và Ðức Huệ trồng gần 8.000ha mía, trong đó huyện Bến Lức có gần 6.000ha. Ðến nay nông dân đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích và giá mía bán đang ở mức rất thấp làm cho người trồng mía không thu hồi đủ vốn đầu tư. Ðể giải được bài toán tiêu thụ mía nguyên liệu trong niên vụ 2017 - 2018, tỉnh Long An cần có sự giúp đỡ của các nhà máy ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Tây Ninh. Trong thời gian tới, muốn giữ được diện tích cây mía, Long An cần sớm giải bài toàn nhà máy sản xuất và tiêu thụ đường ngay tại vùng nguyên liệu. Cần nghiên cứu giống cây trồng thích hợp để thay thế mía mới giúp cho người dân tăng lợi nhuận, thu nhập trên từng đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp.

Bài và ảnh: THANH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/35765702-can-co-giai-phap-giup-nguoi-trong-mia-o-long-an.html