Cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm

Dù có chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2023 gây lãng phí nguồn lực vẫn là vấn đề trọng tâm cần được nhìn nhận và có giải pháp để công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Đây là vấn đề đáng chú ý khi Chính phủ trình bày tờ trình và Ủy ban tài chính ngân sách thẩm tra về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng nay.

Năm 2022, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước là hơn 53.880 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính và các địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Dương… đạt kết quả cao. Đáng chú ý, một số dự án chậm tiến độ, lãng phí, kém hiệu quả đã được tháo gỡ, đưa vào vận hành.

Công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế cũng đạt nhiều kết quả tích cực, cả nước giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, hàng nghìn vụ, ban, phòng, đơn vị sự nghiệp công lập với hơn 79.000 biên chế. Việc xử lý các dự án treo cũng có những chuyển biến rõ hơn.

Cả nước giảm: 17 Tổng cục và tổ chức tương đương, 08 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ, 90% phòng trong vụ; 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập, 79.057 biên chế, Các địa phương giảm 07 sở và 711 đơn vị cấp phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.)

Bên cạnh đó công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện vẫn diễn ra, khi báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ rõ còn 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 75% kế hoạch , tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch.
Vẫn tồn tại tình trạng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có đơn vị đến tháng 5, tháng 6/2022 mới ban hành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tổng Công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, ...

Tình trạng những bộ quan trọng như Bộ Kế hoạch đầu tư, địa phương đầu tầu kinh tế như Thành phố Hồ Chí Minh chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí là 1 trong những nguyên nhân khiến công tác này khó đạt mục tiêu. Vì vậy Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng cần Công khai trên các phương tiện thông tin danh sách các Bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, 2023 và các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực hiện : Nguyễn Duyên Hải Yến

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/can-co-giai-phap-khac-phuc-ngay-tinh-trang-giai-ngan-von-dau-tu-cong-cham