Cần có giải pháp quản lý người bệnh tâm thần

ĐTO - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra những vụ án mạng đau lòng liên quan đến người bệnh tâm thần, gây hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân. Việc quản lý người bệnh tâm thần thế nào cho hiệu quả để giảm bớt tổn thương cho gia đình và tránh gây ảnh hưởng đến cộng đồng là một câu chuyện dài, cần có giải pháp.

Hiện trường vụ án giết người xảy ra trên địa bàn TP Hồng Ngự

Hiện trường vụ án giết người xảy ra trên địa bàn TP Hồng Ngự

Khoảng 9 giờ sáng ngày 27/6/2022, nhân viên Ban quản lý chợ TP Hồng Ngự bị đối tượng tâm thần đâm tử vong. Qua điều tra ban đầu được biết vào khoảng thời gian trên, Tổ công tác Ban quản lý chợ TP Hồng Ngự làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự tại khu vực chợ thực phẩm. Trong lúc nhắc nhở một hộ kinh doanh không được lấn chiếm lối thoát hiểm, Cao Văn Nam (SN 1983) ngụ khóm 1, phường An Thạnh, TP Hồng Ngự (là người có hồ sơ mắc bệnh tâm thần) đang đứng mua hàng, có những lời nói gây ảnh hưởng đến quá trình làm nhiệm vụ của tổ công tác. Thấy vậy, anh Trần Thanh Phong (SN 1987) ngụ phường An Thạnh, là nhân viên Ban quản lý chợ nhắc nhở Nam và dẫn đến cự cãi, Nam chụp lấy cây kéo tại tiệm tạp hóa của người dân, đâm trúng vào vùng ngực của anh Phong dẫn đến tử vong. Ngay sau đó, Ban quản lý chợ đã khống chế, bắt giữ đối tượng giao cho Công an xử lý.

Người có biểu hiện tâm thần và bệnh tâm thần, về mặt pháp lý đây là những người hạn chế về khả năng nhận thức hoặc mất khả năng nhận thức. Chính vì vậy, hành vi của họ gây ra hậu quả hết sức nguy hiểm không thể lường trước được. Giữa tháng 10/2021, gia đình bà Nguyễn Thị Thu Phượng ngụ xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò vô cùng đau xót khi phát hiện người thân trong gia đình có hồ sơ mắc bệnh tâm thần, không kiểm soát được hành vi đã ra tay sát hại đứa cháu ngoại 8 tuổi. Được biết, bà Trần Thị Thanh (SN 1967) ngụ xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, có hồ sơ bệnh tâm thần hơn 20 năm. Gia đình đưa đi điều trị và uống thuốc liên tục trong nhiều năm nhưng không khỏi bệnh, do hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ nghèo, không đủ tiền điều trị xuyên suốt tại bệnh viện tâm thần nên đem bà Thanh về nhà quản lý, không may để xảy ra sơ hở dẫn đến hậu quả khôn lường nêu trên.

Trong thời gian qua, người có biểu hiện tâm thần và có hồ sơ mắc bệnh tâm thần đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật khá phức tạp như giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại tình dục. Về hành chính, những người này đã thực hiện gây rối, quấy nhiễu người khác như trường hợp đương sự Nguyễn Minh Phụng ngụ xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc có dấu hiệu hoang tưởng, thường xuyên nhắn tin với nội dung liên quan đến an ninh trật tự gửi lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Lực lượng Công an xã đã nhiều lần giáo dục, nhắc nhở, yêu cầu gia đình quản lý tốt, sớm đưa đương sự Phụng đi kiểm tra sức khỏe.

Qua những vụ việc trên, Thượng tá Võ Thanh Tốt - Phó chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: Công an tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động rà soát phòng ngừa những người có biểu hiện tâm thần và bệnh tâm thần. Kiến nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường hơn nữa công tác quản lý, mở rộng các cơ sở điều trị, thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội...

Không khó để bắt gặp hình ảnh những người bệnh tâm thần đi lang thang trên đường với những biểu hiện bất thường, nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, văn minh và mỹ quan đô thị. Và trách nhiệm đó không thuộc riêng về cá nhân mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trong đó, gia đình đóng vai trò quan trọng cần phối hợp với chính quyền địa phương để có phương án tốt nhất cho người bệnh tâm thần nhằm tránh những hậu quả đau lòng xảy ra.

Đoàn Diểu

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/phap-luat/can-co-giai-phap-quan-ly-nguoi-benh-tam-than-106530.aspx