Cần có hệ thống giám sát quốc gia chất thải nhựa nông nghiệp

Khuyến nghị tại hội thảo 'Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp, thực trạng và giải pháp' sáng 31/5, bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần xây dựng hệ thống giám sát quốc gia về chất thải nhựa nông nghiệp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt trên 53,22 tỷ USD với sự gia tăng đáng kể trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng tạo áp lực lớn cho môi trường, trong đó có vấn đề chất thải nhựa.

Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thống kê: Tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn /năm (gồm 550 nghìn tấn ni lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật).

Tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn /năm.

Tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn /năm.

Chất thải rắn từ chăn nuôi là 67,93 triệu tấn (gồm 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn); từ thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy các giải pháp hành động giảm thiểu chất thải nhựa ngành nông nghiệp một cách có hệ thống.

Các giải pháp này phải huy động nguồn lực của tất cả các bên nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Qua đó, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội thảo đã giới thiệu một số các giải pháp đang triển khai tại nhiều địa phương, giúp giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế chất thải trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Điển hình là mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn (Bình Định), thuộc Dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” được tài trợ bởi UNDP Việt Nam và Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam.

Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Hà Anh.

Hoạt động gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu giúp tận dụng lực lượng ngư dân thành thành viên trong tổ thu góm rác trên biển, giảm thiểu lượng chất thải nhựa trôi nổi, đem lại thu nhập cũng như gia tăng giá trị kinh tế cho nguồn chất thải có thể tái chế.

Thêm một mô hình đáng ghi nhận là chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu nổi theo quy chuẩn QC ĐP 08:2020/QN đang triển khai tại Quảng Ninh. Hoạt động này hướng tới việc thay thế dần vật liệu nhựa dùng một lần, khó thu gom và tái sử dụng bằng vật liệu đã tái chế, thân thiện với môi trường...

Để thực hiện thành công kế hoạch quốc gia về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp, bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh các giải pháp hiệu quả hướng tới kế hoạch quốc gia.

Cần xây dựng dữ liệu cơ sở về ô nhiễm nhựa và chất thải nhựa, cũng như hệ thống giám sát khả thi từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh để đánh giá quá trình giảm thiểu chất thải nhựa trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đồng thời, thúc đẩy những mô hình thu gom và tái chế hiệu quả, sử dụng vật liệu đóng gói thay thế cho nhựa dùng một lần trên đồng ruộng; tập huấn người dân và các bên liên quan trong nông nghiệp về tác động đến môi trường của nhựa cũng như sự sẵn có của các giải pháp thay thế.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/moi-truong/can-co-he-thong-giam-sat-quoc-gia-chat-thai-nhua-nong-nghiep/20230531093358938