Cần có ngành công nghiệp về cây sâm để phát huy tiềm năng sâm Ngọc Linh

Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND H. Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) luôn trăn trở để Nam Trà My thoát khỏi nghèo đói nhờ khai thác tiềm năng từ cây sâm Ngọc Linh. Từ khi là người đứng đầu chính quyền huyện (năm 2014), ông Bửu mạnh dạn đề xuất ý tưởng và chỉ đạo, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế từ sâm để rồi đến nay cây sâm Ngọc Linh đã dần định hình trở thành thương hiệu Quốc gia.

Sản phẩm từ sâm Ngọc Linh được giới thiệu trong Hội thảo Sâm Ngọc Linh tiếp cận chuỗi giá trị KT-XH trong đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức tại Quảng Nam.

PV Báo Công an TP Đà Nẵng đã có buổi trao đổi với ông Bửu về những vấn đề liên quan đến khai thác, bảo tồn sâm Ngọc Linh.

P.V: Cây sâm Ngọc Linh từ lâu đã nổi tiếng về tác dụng và độ quý hiếm, nhưng chỉ vài năm gần đây danh tiếng của loại cây này mới được lan đi nhanh chóng trên thị trường. Vậy từ thời điểm nào sâm Ngọc Linh mới được khai thác một cách đầy đủ, chuyên nghiệp, mang tính thương mại cao hơn, thưa ông?

Ông Hồ Quang Bửu: Từ lâu người dân Nam Trà My đã tự trồng và bán các sản phẩm từ củ, lá sâm. Tuy nhiên danh tiếng sâm Ngọc Linh được phát triển mạnh mẽ bắt đầu từ năm 2015. Bước ngoặt của cuộc “cách mạng” này là từ ngày 11-9-2015 khi Chính phủ thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030. Tiếp tục ngày 5-6-2017, Thủ Tướng Chính phủ ký quyết định công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia. Từ đây, Nam Trà My hình thành được vùng sâm nguyên liệu ổn định, giá trị của sâm được nâng cao. Từ năm 2014 về trước, mỗi ki-lô-gam sâm chỉ từ 10-20 triệu đồng thì sau 3 năm tăng chóng mặt: 70-100 triệu đồng, sâm củ 2 lạng từ 150-200 trăm triệu đồng/kg. Từ đó đến nay đã có nhiều đề án, quyết định liên quan đến cây sâm. Đến nay, Nam Trà My đã phát triển cây sâm ở 7 xã và có hơn 1.500 hộ trồng sâm, tốc độ phát triển trong dân là 900%.

P.V: Để chuẩn bị cho sự ra đời của một “thương hiệu sâm Ngọc Linh” mới mẻ hơn thì Nam Trà My đã chuẩn bị cho mình những gì?

Ông Hồ Quang Bửu: Nói về sự chuẩn bị là cả một quá trình. Hiện nay ngoài việc triển khai những đề án liên quan đến cây sâm thì những chương trình xúc tiến, quảng bá thương hiệu như lễ hội sâm cũng được triển khai đều đặn. Song song với việc chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng thì huyện cũng tạo điều kiện để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào cây sâm. Các phiên chợ sâm đã khẳng định vị thế, thương hiệu của sâm, tạo môi trường buôn bán ổn định, cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh sản xuất và tiêu thụ sâm. Qua đó, người dân, các cơ sở làng nghề, các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, trao đổi trong sản xuất kinh doanh, đưa sâm Ngọc Linh xứng tầm với dược liệu quý hiếm trên thế giới.

P.V: Là lãnh đạo địa phương, ông đã chuẩn bị tầm nhìn như thế nào đối với sâm Ngọc Linh?

Ông Hồ Quang Bửu: Cá nhân tôi đang nỗ lực cùng với toàn bộ hệ thống chính trị kết hợp làm sao để tạo nên hiệu ứng tốt cho cây sâm. Trước tiên, ngoài việc sâm Ngọc Linh đã đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Kon Tum và Nam Trà My thì chúng tôi cũng làm việc với Bộ Công Thương mở rộng chỉ dẫn địa lý ra quốc tế, những quốc gia có cây sâm. Việc mang sâm đi “đánh xứ người” đã được Nam Trà My chú trọng khi bán hàng ra nước ngoài, hợp tác với các thủ phủ sâm ở một số nước trên thế giới như Canada, Mỹ, Nga. Nam Trà My hợp tác với quận HamYang – thủ phủ sâm Hàn Quốc để trao đổi, học tập kinh nghiệm. Tầm nhìn của cây sâm Ngọc Linh là hướng ra thị trường thế giới.

P.V: Trong những chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm từ các xứ sở sâm, ông nhận thấy sâm Ngọc Linh của ta đang ở ngưỡng như thế nào so với quốc tế?

Ông Hồ Quang Bửu: Trong 5 nước có cây sâm trên thế giới thì hiện nay chỉ có Việt Nam là quốc gia thuộc nhiệt đới, các nước còn lại là ôn đới. Đây là điều rất đáng tự hào bởi cây sâm sinh trưởng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới rất đặc biệt. Tất nhiên, chúng ta đi sau nên cần phải nỗ lực rất nhiều lần mới có thể bắt kịp các cường quốc về sâm. Nhưng tôi vẫn tin rằng với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư nghiêm túc thì sâm Ngọc Linh sẽ phát huy được giá trị xứng tầm.

P.V: Có ấn tượng đặc biệt nào khiến ông lưu ý trong quá trình học hỏi kinh nghiệm về cây sâm ở nước bạn?

Ông Hồ Quang Bửu: Có rất nhiều điều khiến tôi ấn tượng nhưng ấn tượng nhất có lẽ là cơ chế quản lý, cách quảng bá sâm của họ. Đơn cử như phiên chợ sâm ở Hamyang – Hàn Quốc, nhà nước đứng ra tổ chức và số tiền thu về so với tiền Việt Nam là 40-50 tỷ đồng. Ngoài ra họ còn có hàng chục trung tâm nghiên cứu về sâm, cho ra đời những sản phẩm hợp thị hiếu, có nhiều công dụng như kẹo sâm, mỹ phẩm từ sâm... Đây là điều mà cây sâm Việt Nam còn thiếu.

P.V: Nam Trà My cần những gì để có thể đưa cây sâm trở thành một thương hiệu xứng tầm quốc gia?

Ông Hồ Quang Bửu: Cần có một nền công nghiệp về sâm thực thụ. Từ đó chúng ta mới có cơ sở cho ra đời sản phẩm, có chiến lược để quảng bá, có hình ảnh thu hút du khách. Phải tạo một “văn hóa sâm” thực thụ khi nhắc đến Nam Trà My hay sâm Ngọc Linh ở Việt Nam. Tất nhiên để làm được điều đó chúng ta còn rất nhiều phần việc phải làm.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HÀ DUNG (thực hiện)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_194633_can-co-nganh-cong-nghiep-ve-cay-sam-de-phat-huy-tiem-nang-sam-ngoc-linh.aspx