Cần có niềm tin vào sân khấu kịch hát truyền thống

Sân khấu nói chung, sân khấu kịch hát truyền thống tương lai sẽ ra sao khi khán giả trẻ không còn mấy yêu thích, bởi họ có nhiều sự lựa chọn giải trí. Đã có nhiều ý kiến đề xuất nên coi tuồng, chèo như một hình thức văn hóa đặc thù, lưu giữ những gì thuộc về miền ký ức của dân tộc và khi đó giới trẻ mới cảm thấy hứng thú. GS, NSND TRẦN BẢNG, người từng có hơn 50 năm gắn bó với nghề đạo diễn chèo và được giới sân khấu đồng thuận vinh danh là 'cụ Trùm chèo thời nay', đã có những chia sẻ về định hướng hoạt động của sân khấu kịch hát truyền thống.

Một vở diễn trong chương trình “Hà Nội đêm thứ bảy” của Nhà hát Chèo Hà Nội.

Một vở diễn trong chương trình “Hà Nội đêm thứ bảy” của Nhà hát Chèo Hà Nội.

Sân khấu nói chung, sân khấu kịch hát truyền thống tương lai sẽ ra sao khi khán giả trẻ không còn mấy yêu thích, bởi họ có nhiều sự lựa chọn giải trí. Đã có nhiều ý kiến đề xuất nên coi tuồng, chèo như một hình thức văn hóa đặc thù, lưu giữ những gì thuộc về miền ký ức của dân tộc và khi đó giới trẻ mới cảm thấy hứng thú. GS, NSND TRẦN BẢNG, người từng có hơn 50 năm gắn bó với nghề đạo diễn chèo và được giới sân khấu đồng thuận vinh danh là “cụ Trùm chèo thời nay”, đã có những chia sẻ về định hướng hoạt động của sân khấu kịch hát truyền thống.

Phóng viên (PV): Giáo sư đánh giá thế nào về tình hình hoạt động của sân khấu kịch hát truyền thống hiện nay?

GS, NSND Trần Bảng: Hiện nay, nhận định tuồng, chèo đang suy thoái chiếm một lượng tin khá lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có nhiều lý do, nhiều nguyên nhân có thể dễ dàng kể ra như: thay đổi thị hiếu của khán giả hiện đại, ngày càng nhiều phương tiện giải trí hấp dẫn… Thế nhưng theo tôi, nguyên nhân cơ bản nhất chính là do chủ quan những người làm chèo, làm tuồng. Chính các nghệ sĩ làm nghề đã mất niềm tin vào tuồng, chèo cổ. Họ không còn tin vào sức sống các loại hình này và tự bản thân họ đã cho rằng, tuồng, chèo cổ thuộc về quá khứ rồi. Vì thế, họ tìm cách để có những hình thức tuồng, chèo hiện đại, thậm chí hợp tác, kết hợp với nước ngoài để làm tuồng, làm chèo như những vở Nhà hát Tuồng Việt Nam kết hợp Nhà hát mặt nạ Pháp. Không thể kết luận điều đó là do họ làm thương mại, nhưng khi thực hiện công việc đó chứng tỏ họ không còn tin, không còn thấy giá trị, cái đẹp của sân khấu truyền thống. Tại sao người làm nghề lại mất niềm tin vào chính ngành nghệ thuật mình đang cống hiến? Tôi cho rằng, vì sự hiểu biết của người làm nghề ngày nay có phần hạn chế cho nên thật khó nhận thấy cái hay, cái đẹp… và thái độ với vốn cổ vì thế thiếu đi sự nhận biết có tính cơ bản. Thật không còn biết đánh giá thế nào nữa khi người đang làm nghề lại cho rằng, một vở pha tạp, hát chèo nhờ ca sĩ, dàn nhạc dùng nhạc Tây là vở truyền thống của đơn vị mình như một nhà hát chèo... Kịch mục của các đơn vị chèo tuồng liệu có bao nhiêu vở cổ? Nhà hát Tuồng Việt Nam phục dựng một số vở như: Đào Tam Xuân, Triệu Đình Long, Sơn Hậu… cũng khá nghiêm túc, song về mặt nghệ thuật biểu diễn của diễn viên thì không thể so sánh với thế hệ những Quang Tốn, Bạch Trà… Hay về danh nhân Đào Tấn, người ta chỉ nghiên cứu, viết nhiều về sách, về lý luận mà quên đi những vở diễn của ông. Có thể kết luận, người làm nghề đang thiếu tự tin vào nghề, thụ động và tính toán riêng tư, chọn nghệ thuật như một công việc nào đó để rồi sống bằng nghề tay trái, phi nghệ thuật. Chính người làm nghề mất niềm tin thì làm sao thuyết phục được người khác. Đối xử với những tinh hoa, vốn quý như thế, chẳng thể trách khán giả không còn mặn mà với tuồng, chèo.

PV: Vậy theo GS, cần làm gì để khiến sân khấu tuồng, chèo tiếp tục phát triển tốt?

GS, NSND Trần Bảng: Cần bổ sung thêm kiến thức để người làm nghề tin ở nghề, thấy được cái đẹp, cái hay, cái độc đáo của tuồng, chèo. Có thể khẳng định, cái độc đáo của tuồng, chèo, cái khâu cần phải bảo tồn nhất chính là nghệ thuật biểu diễn của nó. Sân khấu phương Đông khác hẳn phương Tây (đây là nói phương Tây trước thời kỳ hiện đại) khi sân khấu phương Tây chỉ là minh họa kịch bản, sân khấu là những biểu hiện, những động tác hình thể…, còn tuồng, chèo cổ thì kịch bản chỉ là cái tích, cái xương sống, hay như ta gọi bây giờ nó chỉ là đề cương để người biểu diễn ngẫu hứng sáng tạo. Vì vậy, phải chú ý đề cao hơn nữa nghệ thuật biểu diễn độc đáo của sân khấu truyền thống. Người diễn trò trên sân khấu truyền thống phải tinh thông nghề nghiệp đạt tới mức điêu luyện về kỹ xảo để có thể thông qua kỹ xảo ấy mà biểu hiện, mà tỏa sáng những ý thơ, cái thần của tích và nhân vật mình đóng. Sự giận dữ biểu hiện thông qua đường xiến gằn của đôi hia, ở nét run rẩy của mười đầu ngón tay, tiếng nức nở khóc than nằm ở cách xử lý ngữ khí trong một câu nói sử hay cách luyến láy trong một làn điệu hát… Nghệ thuật biểu diễn đó lạ lắm và rất giàu tính kỳ, thí dụ như kỹ thuật biểu diễn của một nghệ nhân đóng vai quỷ tôi từng được xem ở hội diễn nghiên cứu chèo năm 1960. Nghệ nhân này ở tư thế ngồi xếp chân bằng tròn nhảy từ hòm đồ xuống sàn diễn và vẫn trong tư thế đó nhảy khắp sân khấu với sức bật cao khác thường. Điều đó đòi hỏi sự kỳ lạ, khác thường, người thường không thực hiện được và vì thế, nó thu hút sự tán thưởng của người xem… Hay như ngày xưa cụ Tảo đi trên đôi hia cong thể hiện một kỹ thuật thật tài tình và điêu luyện khiến người xem hết sức thán phục. Bà Bạch Trà diễn tả cảnh chồng bị giết chỉ bằng mười đầu ngón tay không có nước mắt mà sự truyền tả cái mất mát thật khôn lường. Ngày nay, các diễn viên cũng vẫn diễn những động tác đó, nhưng sự biểu cảm thì thật là một trời một vực so với các nghệ nhân xưa. Khi xem các vở cổ, thấy sự mất mát rất rõ trong phần biểu diễn của diễn viên vì mới chỉ dừng lại ở sự bắt chước một cách hời hợt nghệ thuật diễn của nghệ nhân xưa.

Công tác bảo tồn của chúng ta còn rất nhiều điều cần chấn chỉnh. Kịch mục cổ ở các đoàn hầu như không có. Ngay cả Nhà hát Chèo Việt Nam có kịch mục song việc biểu diễn các vở cổ không chiếm được bao nhiêu đêm đỏ đèn. Công tác nghiên cứu cũng cần quan tâm vì phần lớn những công trình nghiên cứu của chúng ta mới chung chung, chưa có người thạo về nghệ thuật biểu diễn làm nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm...

PV: Người ta hay đòi hỏi phải đem công nghệ phục vụ cho sân khấu. GS thấy hướng làm đó có nên không?

GS, NSND Trần Bảng: Diễn sân khấu truyền thống phải giữ được một môi trường diễn đúng cho từng loại hình. Còn nhớ, khi tham gia Hội diễn sân khấu năm 1982 ở Bun-ga-ri, đoàn Nhật Bản đã mang toàn bộ sân khấu của họ sang với đầy đủ hệ thống sàn gỗ, đường đi… phục vụ cách diễn riêng của họ. Rất cần một sân khấu riêng để tạo môi trường diễn độc đáo. Ta đã có Rạp hát Hồng Hà cho tuồng, Rạp Kim Mã cho chèo song những người thực hiện đã không đi đúng hướng khi xây dựng cả hai rạp này đều cố đưa vào một mẫu sân khấu bình thường để có thể cho các loại hình khác thuê địa điểm, không phải sân khấu để tạo môi trường thích hợp với từng kịch chủng.

Bên cạnh đó, các phương tiện hiện đại đang tranh nhau thể hiện, che lấp nghệ thuật biểu diễn mà không nhận thức được rằng, mọi loại hình nghệ thuật phải lấy tiêu chí phục vụ cho nghệ thuật biểu diễn. Phải luôn tâm niệm rằng, ở tuồng chèo mọi cảnh trí, không gian, thời gian đều nằm ở nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Đừng nhân danh đưa công nghệ hiện đại vào sân khấu mà dùng tia chớp điện nhấp nháy đến mức không còn nhìn thấy diễn viên đang thể hiện gì. Những người làm kiểu đó đã quên rằng, sân khấu chúng ta độc đáo chính là vì mọi hình thức thể hiện đều nằm ở ngôn ngữ cơ thể diễn viên là chủ yếu. Các nghệ thuật khác như trang trí, âm nhạc, ánh sáng là để phục vụ chứ không thể chiếm vị trí của nghệ thuật biểu diễn, khiến người diễn viên mất đi tính tổng thể khi trình diễn và vì thế, làm mai một nghệ thuật truyền thống.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

PV (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/41177102-can-co-niem-tin-vao-san-khau-kich-hat-truyen-thong.html