Cần có quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ COD

Trong bối cảnh nhu cầu chuyển phát hàng hóa thương mại điện tử tăng mạnh, cần có quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ phát bưu gửi thu tiền (COD) để tránh trường hợp doanh nghiệp chuyển phát chiếm đoạt tiền COD của khách hàng.

Tại Hội nghị Chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 và trao đổi về kiến nghị của các doanh nghiệp TT&TT đối với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành do Bộ TT&TT tổ chức ngày 7/11 ở Hà Nội, bà Vũ Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết: Vụ vừa nhận được kiến nghị của Viettel về điều kiện kinh doanh dịch vụ phát bưu gửi thu tiền (COD).

Cụ thể, Viettel đề cập rằng pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về điều kiện cung ứng dịch vụ COD, nên hầu hết doanh nghiệp bưu chính đều triển khai dịch vụ COD mà không có bất kỳ ràng buộc nào, gây rủi ro rất lớn cho khách hàng. Các doanh nghiệp bưu chính rất dễ lạm dụng, chiếm đoạt tiền tiền COD của khách hàng. Ví dụ như trường hợp Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh GNN đã lạm dụng 5,5 tỷ đồng tiền thu hộ COD của khách hàng.

Viettel đề xuất Bộ T&TT phối hợp các đơn vị liên quan và Ngân hàng Nhà nước ban hành các văn bản quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ COD, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính phải đáp ứng một số điều kiện.

Cần có quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ COD là nội dung kiến nghị đầu tiên từ phía doanh nghiệp được chia sẻ tại ại Hội nghị Chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 và trao đổi về kiến nghị của các doanh nghiệp TT&TT đối với các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành do Bộ TT&TT tổ chức ngày 7/11 ở Hà Nội

Ghi nhận đề xuất của Viettel, bà Vũ Thu Thủy chia sẻ: Sau khi có thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Vụ Bưu chính đã có buổi làm việc trực tiếp với Giám đốc điều hành GNN để tìm hiểu thông tin. Qua đó được biết, hiện GNN đã tạm dừng cung ứng dịch vụ, đang tiến hành từng bước trả các khoản nợ với các đối tượng khách hàng.

“Trên cơ sở tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, có nhiều nội dung chưa thực sự rõ ràng, nên Vụ Bưu chính đã báo cáo lãnh đạo Bộ để đầu tháng 10 vừa rồi, Bộ TT&TT có Văn bản số 3429 gửi Ngân hàng Nhà nước về nội dung dịch vụ COD.

Trong văn bản đó, Bộ TT&TT đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, xác định rõ dịch vụ COD có thuộc phạm vi dịch vụ thu hộ theo quy định pháp luật của ngân hàng không? Bởi COD có nhiều nét tương đồng với dịch vụ thu hộ được quy định trong Thông tư 46 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được văn bản, giao Vụ Thanh toán xử lý. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời Bộ TT&TT, Vụ Bưu chính sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ có văn bản gửi tới tất cả các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính trên thị trường để biết thông tin và thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cho đúng quy định của pháp luật”, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết thêm.

Được biết, COD là dịch vụ đã và đang ngày càng được các doanh nghiệp, cá nhân bán hàng online sử dụng nhiều, theo đó, người mua hàng sẽ thanh toán khi nhận hàng.

Quy trình COD chung của các công ty chuyển phát là sau khi người mua hàng online lựa chọn sản phẩm và hình thức vận chuyển hàng COD thì bên bán sẽ đóng gói và gửi hàng sang công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển COD để chuyển hàng đến cho khách. Công ty vận chuyển sẽ chuyển hàng đến địa chỉ người nhận sau 1-2 ngày đối với các thành phố lớn (thêm 1-2 ngày cho các tuyến xã, huyện).

Khi nhận hàng, người mua hàng thanh toán tiền cho nhân viên giao hàng, gồm các khoản: tiền hàng (bên công ty vận chuyển sẽ trả lại cho bên bán sau khoảng 15-30 ngày tùy vào từng công ty); phí vận chuyển (bên công ty vận chuyển thu, trung bình là 30 – 40 nghìn đồng/đơn hàng ở các thành phố lớn, còn với tuyến huyện, xã có khi lên đến 70 – 80 nghìn đồng/đơn hàng); phí thu tiền hộ (bên công ty vận chuyển thu, trung bình 20 nghìn đồng/đơn hàng).

Với quy trình nêu trên, nếu chọn dịch vụ COD, người mua hàng sẽ phải tốn thêm rất nhiều chi phí so với việc mua hàng thanh toán trước. Thế nhưng hình thức vận chuyển này vẫn trở nên rất phổ biến và được nhiều người mua hàng online lựa chọn. Nguyên nhân chính là do tâm lý người mua hàng online thường sợ bị lừa (thực tế đã có nhiều trường hợp người mua chuyển khoản, thanh toán tiền trước cho bên bán nhưng sau đó bên bán không chịu gửi hàng, gửi hàng không đúng mẫu mã, hoặc gửi hàng chất lượng kém cho người mua), nên sẵn sàng trả thêm chi phí để mua sự an tâm.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, cá nhân bán hàng online thì dịch vụ COD có rất nhiều rủi ro và bất lợi. Giả sử đơn hàng thành công thì công ty vận chuyển sẽ giữ tiền hàng của các shop từ 15-30 ngày mới thanh toán trả lại cho người bán hàng (thời gian tùy vào chính sách của từng nhà cung cấp dịch vụ). Trước khi nhận được tiền thanh toán thì hai bên phải đối chiếu lại tất cả mã vận đơn – tốn khá nhiều thời gian. Trong trường hợp người bán hàng online làm mất phiếu gửi hàng (trên mỗi phiếu gửi hàng có ghi mã vận đơn và tiền hàng) thì đồng nghĩa là có khả năng không thu được tiền hàng. Ngoài ra, có một số đơn vị vận chuyển làm ăn không uy tín, đến ngày hẹn vẫn không chịu thanh toán tiền cho người bán hàng online...

Bình Minh

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/can-co-quy-dinh-ve-dieu-kien-cung-ung-dich-vu-cod-174742.ict