Cần cộng đồng trách nhiệm trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi

Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách chăm lo cho người cao tuổi (NCT), trong đó có vấn đề chăm sóc sức khỏe (CSSK). Tuy nhiên, với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, thì việc CSSK cho NCT đang gặp không ít khó khăn, bất cập.

Chăm lo sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của toàn xã hội.

Thiếu sự chăm sóc của người thân

Bị tai biến mạch máu não đã hơn 2 năm nay, đòi hỏi phải chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, nhưng mỗi lần đi viện là một lần bà Nguyễn Thị Tâm, ở xã Thọ Hải (Thọ Xuân) phải đắn đo, suy nghĩ. Mọi sinh hoạt của bà ở viện phụ thuộc hoàn toàn vào con, nhưng bà lại sợ làm phiền, ảnh hưởng đến công việc của con. Đã có đôi lần con bà thuê giúp việc đi theo bà vào viện nhưng không ổn. Bà Tâm trải lòng: “Nhà có 4 đứa con, mỗi đứa đều có công việc riêng không thể nghỉ dài được. Hồi tôi mới bị tai biến, còn phải chăm sóc đặc biệt thì chúng thay nhau cắt phép chăm mẹ. Nhưng cũng chỉ được thời gian đầu, chứ kéo dài mãi thì không thể được, công việc Nhà nước mà. Thuê người giúp việc chăm sóc trong bệnh viện cũng khó khăn. Vì vậy, khi điều trị được tàm tạm rồi thì tôi về nhà nằm, khi nào cảm thấy bất ổn quá mới vào viện”.

Không chỉ bà Tâm, mà với nhiều bệnh nhân cao tuổi khác, để có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế là cả một vấn đề. Người không có điều kiện về kinh tế, người lại không có ai chăm sóc. Nhiều người cực bất đắc dĩ mới phải vào viện để được chăm sóc y tế và nhờ cậy các bệnh nhân, người nhà các bệnh nhân xung quanh hỗ trợ trong sinh hoạt. Ví như, trường hợp ông Lê Văn Thụy, ở xã Yên Mỹ (Nông Cống), đang điều trị tại Khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Ông Thụy chia sẻ: “Con đi làm xa, vợ phải lo việc nhà cửa, đồng áng. Tầm tuổi này rồi, bệnh tật đầy người, “bệnh viện là nhà” nên không ai có thể theo suốt để phục vụ được. Vì vậy, nhiều lúc cũng phải chịu khó và nhờ sự chia sẻ của cộng đồng”...

Qua tìm hiểu tại Khoa Phục hồi chức năng (BVĐK tỉnh): bệnh nhân của khoa chiếm tới trên 40% là NCT, thường phải điều trị lâu dài. Tuy nhiên, hiện bệnh viện chưa đủ điều kiện để thực hiện chăm sóc toàn diện. Một khó khăn nữa đó là NCT vào viện chủ yếu là chữa bệnh, bị bệnh gì chữa bệnh đó, chứ chưa được CSSK một cách chuyên nghiệp và dành riêng cho NCT.

Cần cộng đồng trách nhiệm

Hiện nay, các hoạt động hỗ trợ cho NCT chủ yếu ở nhóm đối tượng NCT được hưởng chính sách xã hội. Các hoạt động CSSK cho NCT thường tổ chức theo đợt, chưa thường xuyên, nhất là đối với NCT ở vùng sâu, vùng xa. Một bộ phận lớn NCT đang sinh sống ở cộng đồng, ít có cơ hội hoặc chưa chủ động tham gia các hoạt động do các cấp hội NCT phát động.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 443.578 NCT, chiếm khoảng 13,5% dân số. Tuy số lượng NCT ngày càng lớn và chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong cộng đồng, nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của NCT lại không được như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở y tế chưa chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện bệnh cho NCT. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về CSSK cho NCT chưa được thực hiện ở phần lớn xã, phường, thị trấn. Trung tâm CSSK tập trung cho NCT còn ít, trong khi nhu cầu lớn. Các kiến thức, kỹ năng CSSK, vật chất, tinh thần cho NCT chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi, nhóm đối tượng này luôn mắc nhiều bệnh tật cùng lúc, đòi hỏi chuyên ngành lão khoa phải phát triển đáp ứng nhu cầu chăm sóc NCT.

Chăm lo sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của toàn xã hội.

Để CSSK toàn diện cho NCT, ngày 29-8-2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 147/KH-UBND, về thực hiện Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Theo đó, giai đoạn 1 (2017-2020): Tập trung CSSK NCT tại cộng đồng; xây dựng các quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật trong dịch vụ CSSK NCT; xây dựng thí điểm mô hình “CSSK dài hạn cho NCT”, hướng dẫn sử dụng bảo hiểm y tế trong CSSK NCT; xây dựng tổ chức quản lý CSSK NCT. Giai đoạn 2 (2021-2025): Lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của đề án đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 1; nhân rộng các mô hình CSSK dài hạn cho NCT, ưu tiên cho các mô hình CSSK NCT tại cộng đồng; tạo môi trường thân thiện cho NCT thông qua việc thúc đẩy phong trào xã/phường phù hợp với NCT; xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn tổ chức, quản lý các cơ sở CSSK NCT; xây dựng chính sách huy động các nguồn lực, bao gồm cả tư nhân trong việc thực hiện CSSK NCT.

Già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra cho cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng yêu cầu đổi mới hệ thống CSSK, nhất là sức khỏe NCT. Đồng thời, để công tác CSSK NCT thực sự hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, đầu tư nguồn lực của các cấp, ngành, của cả gia đình và xã hội. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho NCT và cải thiện chất lượng dân số.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/can-cong-dong-trach-nhiem-trong-cham-soc-suc-khoe-cho-nguoi-cao-tuoi/129781.htm