Cần công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích tiền công đức?

Tiền công đức thường được dùng để làm từ thiện hay dùng vào việc tu bổ tôn tạo chùa, đền, miếu mạo. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều sự việc cho thấy tiền công đức còn được chi cho nhiều khoản riêng, gây bức xúc dư luận xã hội.

Cung tiến công đức tại chùa Bái Đính- Ninh Bình. Ảnh: LĐO

Còn nhớ, Thành phố Hà Nội từng tiết lộ một con số gây choáng, đó là trong 3 tháng năm 2010, đền Trình – chùa Hương, Hà Nội thu về 30 tỉ đồng. Cũng vì nguồn thu lớn mà nảy sinh nhiều bất cập tại các đền, chùa, miếu mạo.

Hiện nay, chưa có mô hình quản lý di tích thống nhất. Mỗi di tích lại có một cấp, hoặc nhiều cấp khác nhau cùng quản lý. Nơi do cá nhân tự thu - chi, nơi do nhiều cấp thu và quản lý.

Do vậy, nên hay không nên quản lý và công khai tiền công đức? Câu hỏi này cũng đang là vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị liên quan khi chưa tìm được một tiếng nói chung.

Từ trước đến nay chưa có một thống kê nào được thực hiện và mỗi đền, chùa, di tích đều có cách quản lý tiền công đức riêng của mình. Việc lật ngược hòm công đức để moi tiền không còn là hiện tượng lạ, đã từng xảy ra ở nhiều địa phương.

Thanh tra Bộ VH-TT-DL từng nêu ví dụ về tình trạng nhận tiền công đức rồi khắc tên người góp tiền lên bia, điển hình là tại lăng Mẫu Liễu Hạnh (Nam Định), chùa Liên Phái (Hà Nội), đền Trình (chùa Hương)… Riêng đền Trình có tới 12 bia công đức với giá 15 triệu đồng/bia, tại lăng Mẫu Liễu Hạnh còn xây mới nhiều gian nhà để có chỗ đặt bia. Nhiều chùa còn có hiện trạng: dưới chân 1 tượng đặt 4 thùng công đức.

Đặc biệt, việc thu phí tham quan Yên Tử (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) từ đầu năm 2018 đã tạo nên những ý kiến trái chiều. Tại quần thể chùa Bái Đính (Ninh Bình) - ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam hiện nay, việc quản lý và sử dụng tiền công đức cũng đang “nằm trong vòng bí mật”. Đền ông Hoàng Mười (Nghệ An) là một di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng với du khách thập phương, địa chỉ có nhiều người thăm viếng, cúng lễ. Sau những nghi vấn về chuyện “chở tiền công đức đi đâu?”, Ban Quản lý đền được thay mới và huyện thay xã trực tiếp quản lý đền. Dư luận một lần nữa mong muốn phải công khai tiền cũng như việc sử dụng tiền công đức tại các đền, chùa…

Có tờ báo vừa thông tin, tiền công đức tại Yên Tử (Quảng Ninh) năm cao nhất được trên 31 tỉ đồng và năm 2017 là 17,5 tỉ đồng. Với 4% trích lại, năm 2017, BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử nhận được 680 triệu đồng.

Quy trình giám sát và kiểm đếm tiền công đức về lý thuyết là rất chặt chẽ nhưng cùng lắm thì chỉ biết được tổng số tiền mà không biết số tiền đó được chi tiêu ra sao, còn tiền giọt dầu thì hoàn toàn là điều bí mật?

Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường trả lời báo chí cho biết: Chùa Bái Đính hiện tại đã được giao cho Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đầu tư xây dựng và quản lý, việc quản lý và sử dụng tiền công đức ở đây cụ thể mỗi năm là bao nhiêu, quản lý như thế nào và sử dụng ra sao, chúng tôi cũng không nắm được. Đụng vào tiền bạc tại chốn tâm linh là vấn đề vô cùng nhạy cảm và phức tạp. Hơn nữa, chùa đã được giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng và quản lý nên việc quản lý, sử dụng tiền công đức ở đây như thế nào là do doanh nghiệp tự tính toán.

Trước nay, việc quản lý tiền công đức trong các đình, chùa, phủ,... chưa có một mô hình thống nhất nào mà chỉ có nhưng chỉ đạo của chính quyền là cần công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích.

Vì thế, không nơi nào tuân thủ quy định số lượng đặt hòm công đức do Bộ VHTTDL quy định và việc công khai quản lý và sử dụng tiền công đức thì luôn luôn là ẩn số. Đây là môi trường tốt cho những kẻ “buôn thần, bán thánh” có đất hoành hành và cũng là môi trường sản sinh ra những con người đó.

Tiền công đức mang một ý nghĩa tâm linh lớn, đạo lý coi “của Bụt lấy một đền mười” mà người ta bất chấp đạo lý, pháp luật, không sợ tâm linh, dám “ăn” những đồng tiền như thế thì có thể làm mọi chuyện trái đạo.

Không thể nói chuyện đạo lý, cũng không đánh thức được cái tâm của sự “tham sân si” này. Chỉ có thay đổi phương thức quản lý, sử dụng người liêm chính, loại trừ môi trường sinh ra lòng tham và cốt yếu phải công khai, minh bạch từ nguồn tiền thu được đến việc quản lý sử dụng tiền đó vào mục đích chính đáng thì “của chùa” mới không thất thoát.

Ở những nơi linh thiêng như đền chùa mà tồn tại tiêu cực thì đó là điều không chấp nhận được!

Vũ Xuân Bân |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/can-cong-khai-minh-bach-su-dung-dung-muc-dich-tien-cong-duc-60356