Căn cứ địa kháng chiến chống Pháp của liên tỉnh Quảng Hồng

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp giải phóng Khu mỏ, căn cứ kháng chiến liên tỉnh Quảng Hồng đã bị địch tấn công càn quét nhiều lần, nhưng quân dân ta đã đẩy lùi địch, giữ vững và mở rộng vùng căn cứ kháng chiến cho đến ngày toàn thắng. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các đại biểu cắt băng khánh thành nhà bia lưu niệm căn cứ Trại Gạo (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) năm 2010. Ảnh tư liệu của Ban Liên lạc những người kháng chiến liên tỉnh Quảng Hồng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các đại biểu cắt băng khánh thành nhà bia lưu niệm căn cứ Trại Gạo (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) năm 2010. Ảnh tư liệu của Ban Liên lạc những người kháng chiến liên tỉnh Quảng Hồng.

Ngay sau Ngày Toàn quốc kháng chiến, ngày 20/12/1946, Thực dân Pháp đã chiếm Vùng mỏ. Ngay tối hôm đó, quân ta đã rút vào căn cứ cách mạng ở Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, chấn chỉnh lực lượng, tập trung quân lực. Chính quyền cách mạng đã hợp nhất tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hồng Gai thành Liên tỉnh Quảng Hồng, bao gồm cả một số huyện của Hải Phòng, Bắc Giang và Hải Dương ngày nay.

Bốn ngày sau đó, quân ta đã từ Sơn Dương về tập kích đồn Hà Lầm tiêu diệt 30 tên địch, thu 1 súng trung liên và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác. Chiến công này cùng với các chiến công ở Cửa Ông, Cẩm Phả đã dẫn đến sự ra đời của đại đội vũ trang đầu tiên của công nhân mỏ lấy tên là Đại đội Hồ Chí Minh. Ông Vũ Cẩm, Trưởng Ban Liên lạc Những người kháng chiến liên tỉnh Quảng Hồng, kể lại: Tại căn cứ Sơn Dương, ngày 11/1/1947, Đại đội đã chiến đấu chống địch càn quét tiêu diệt 40 tên, bảo vệ cơ quan đầu não an toàn. 13 ngày sau đó, Đại đội đã chiến đấu với địch ở Yên Lập, bắn cháy 1 ca-nô, thu nhiều vũ khí, khí tài của địch.

Tháng 12/1947, các cơ quan của liên Tỉnh ủy đã di chuyển vào khu vực Trại Gạo (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Và đến tháng 5/1950, các cơ quan của tỉnh lại di chuyển sang khu vực Đồng Vành, huyện Sơn Động (nay thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Căn cứ kháng chiến chống Pháp của liên tỉnh Quảng Hồng được hình thành và có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Căn cứ này là vùng rừng núi rộng lớn nằm ở phía Bắc quốc lộ 18 và phía Nam đường 13 từ các huyện Hoành Bồ, Yên Hưng (cũ), Đông Triều của Quảng Ninh, Chí Linh (Hải Dương) và Sơn Động (Bắc Giang). Đây là một vùng tự do trong lòng địch, bị địch bao vây bằng một hệ thống đồn, bốt dày đặc. Đây cũng là nơi hội tụ những người yêu nước, yêu Vùng mỏ quyết tâm đứng lên kháng chiến, nơi bảo vệ các cơ quan đầu não, bồi dưỡng huấn luyện cán bộ, kho tàng dự trữ lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, vũ khí phục vụ kháng chiến. Đồng thời, căn cứ này cũng là nơi tập dượt quản lý nhà nước cho chính quyền cách mạng để sau này tiếp quản Vùng mỏ.

Du khách dâng hương tại bia lưu niệm căn cứ địa Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, nơi thành lập Đại đội Hồ Chí Minh. Ảnh: Phạm Học

Căn cứ địa kháng chiến liên tỉnh Quảng Hồng là bàn đạp tấn công vào vùng bị địch chiếm đóng. Cuối tháng 3/1948, quân dân ta từ Trại Gạo tiến công chống càn quét bảo vệ cơ quan đầu não, bảo vệ nhân dân tản cư theo kháng chiến. Quân ta từ căn cứ kháng chiến Quảng Hồng thâm nhập vùng địch hậu Thủy Nguyên hỗ trợ nhân dân tiến hành cuộc tổng phá tề tháng 10/1948; tiến công đánh địch ở Pháp Cổ (Thủy Nguyên) tháng 11/1948; tập kích thị xã Cẩm Phả ngày 19/5/1948. Ông Hoàng Bách (tên thật là Phạm Khắc Hựu), một trong những người tham gia cuộc đấu tranh giải phóng Vùng mỏ Cẩm Phả và cũng là một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng ở Cẩm Phả, kể: Từ khi thực dân Pháp biến vùng đất Đông Bắc thành khu mỏ khai thác than, hàng vạn thợ mỏ sống trong cảnh nô lệ, lầm than. Không chấp nhận cảnh đời nô lệ, chúng tôi quyết đứng lên làm cách mạng giải phóng Vùng mỏ.

Xuất phát từ căn cứ Quảng Hồng, quân ta còn phục kích nhiều trận khác nữa như: Tiêu diệt địch ở đường 13, tháng 12/1948 diệt 10 xe địch; tập kích ở Quảng Yên đưa đội vũ trang tuyên truyền vào hoạt động sâu trong vùng tạm chiếm tháng 4/1949; cùng quân dân địa phương mở chiến dịch Hoàng Hoa Thám tiến công địch từ Lán Tháp (Uông Bí) ra đường 18 trong tháng 3 và tháng 4/1951, tiêu diệt hơn 2.000 tên địch. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân liên tỉnh Quảng Hồng đã phối hợp với bộ đội chủ lực buộc địch phải rút toàn bộ hệ thống đồn bốt, giải phóng đường 13 nối liền căn cứ Quảng Hồng với căn cứ Việt Bắc góp phần kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch.

Ông Vũ Cẩm đánh giá: Căn cứ địa kháng chiến là nơi khẳng định niềm tin của nhân dân vào cuộc kháng chiến trường kỳ, tất thắng. Đây là chỗ dựa để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, xây dựng lực lượng của ta, kiềm chế và tiêu hao lực lượng của địch, tiến hành các chiến dịch lớn để chuẩn bị cho tiếp quản Vùng mỏ. Có thể nói, không có căn cứ kháng chiến thì không có sự thành công của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Vùng mỏ. Những căn cứ này đều đã được xây dựng nhà bia lưu niệm, đã và sẽ tiếp tục trở thành nơi giáo dục truyền thống, giáo dục tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc cho thế hệ trẻ.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201904/can-cu-dia-khang-chien-chong-phap-cua-lien-tinh-quang-hong-2438051/