Căn cứ điều chỉnh giá xăng dầu tăng giảm

Giá bán lẻ xăng dầu được điều hành theo chu kỳ cố định khoảng 10 ngày/lần. Trong khoảng 10 ngày đó, nếu giá bán lẻ được giữ ổn định sẽ có những lúc có thể thấp hơn giá bán buôn.

Theo lịch, ngày 21/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ tính giá 10 ngày. Tuy nhiên, do rơi vào ngày chủ Nhật là ngày nghỉ nên cơ quan điều hành sẽ thực hiện công bố giá xăng dầu vào ngày thứ Hai (22/5).

Ai điều hành giá xăng dầu?

Theo quy định tại khoản 27, Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điều 38 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu madút là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố.

Đối với các địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ (đã được kiểm toán) tăng cao dẫn đến giá bán cao hơn giá điều hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thông báo với Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí phát sinh nhưng không vượt quá 2% giá điều hành công bố cùng thời điểm.

Tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu theo căn cứ nào? (ảnh minh họa: Internet).

Tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu theo căn cứ nào? (ảnh minh họa: Internet).

Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu có trách nhiệm thông báo giá bán với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính ngay sau khi quyết định giá bán xăng dầu của doanh nghiệp. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) số với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.

Giá bán lẻ xăng dầu được điều hành theo chu kỳ cố định

Trong khi đó, giá bán lẻ xăng dầu được điều hành theo chu kỳ cố định khoảng 10 ngày/lần, trong khoảng 10 ngày đó, nếu giá bán lẻ được giữ ổn định sẽ có những lúc có thể thấp hơn giá bán buôn.

Cụ thể, căn cứ điểm 3, khoản 27, Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định, thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Ngoài ra, các chi phí cấu thành giá bán lẻ được rà soát, công bố định kỳ (6 tháng/lần) nên có những giai đoạn (nhất là trong thời gian vừa qua thị trường chịu ảnh hưởng của các yếu tố dịch bệnh, địa chính trị) chi phí tăng cao nhưng chưa kịp phản ánh vào giá bán lẻ do Nhà nước công bố, trong khi giá bán buôn luôn được cấu thành từ các chi phí thực tế phát sinh nên sẽ có thể chênh lệch cao hơn giá bán lẻ.

Kể cả trong trường hợp giá bán lẻ không phải do Nhà nước điều hành, cũng như các hàng hóa khác trên thị trường, hiện tượng giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ vẫn có thể xảy ra do khi mua vào giá cao nhưng sau đó cầu giảm hoặc cung tăng, để cạnh tranh hoặc giảm chi phí lưu kho, các doanh nghiệp vẫn buộc phải bán lẻ với giá thấp hơn giá bán buôn.

Mặt khác, cũng theo quy định, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về: Giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở, giá điều hành các mặt hàng xăng dầu; thời điểm áp dụng và mức trích lập, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại các kỳ điều hành giá xăng dầu; các biện pháp khác (nếu có). Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng quý.

Cùng đó, thương nhân đầu mối có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của thương nhân hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về giá bán lẻ hiện hành; số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước; điều chỉnh mức trích, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá; công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính khi đã được kiểm toán.

Theo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, trước xu hướng giá dầu thế giới tăng trở lại, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày 22/5 có thể sẽ tăng nhẹ khoảng 300 - 410 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng 150 - 340 đồng/lít/kg. Tuy nhiên, việc điều chỉnh còn phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới trong ngày cuối tuần và việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu.của cơ quan điều hành, nếu có.

Nếu đúng như dự báo, xăng dầu trong nước sẽ có kỳ tăng giá nhẹ sau 3 kỳ giảm liên tiếp. Tính từ đầu năm, xăng dầu đã trải qua 14 lần điều chỉnh giá, trong đó có 7 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.

Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 11/5), giá xăng dầu được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá xăng RON 95 giảm 1.320 đồng/lít, giá bán là 21.000 đồng/lít; giá xăng E5 RON92 giảm 1.300 đồng/lít, xuống mức 20.130 đồng/lít; giá dầu diesel giảm 600 đồng/lít, ở mức 17.650 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 550 đồng/lít, giá bán là 17.970 đồng/lít; dầu mazut giảm 640 đồng, có giá mới là 14.860 đồng/kg. Cũng tại kỳ điều hành này, cơ quan điều hành trích lập Quỹ bình ổn giá với các loại xăng dầu ở mức 300 đồng/lít và không chi Quỹ bình ổn giá.

Mới đây, nhóm các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị sớm ban hành Nghị định mới về xăng dầu trong bối cảnh doanh nghiệp càng kinh doanh càng gặp nhiều khó khăn. Theo các doanh nghiệp, thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đang rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng. Việc kinh doanh bấp bênh kéo dài quá lâu do Nghị định số 95 về kinh doanh xăng dầu bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế, nên đã tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ.

Liên Hà Thái (tổng hợp)

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tin-247/can-cu-dieu-chinh-gia-xang-dau-tang-giam-173927.html