Cần cú hích để thúc đẩy cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập

Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) thành công ty cổ phần đã bước vào vạch xuất phát từ năm 2015, song đến nay kết quả đạt được mới dừng ở con số 0,09%. Quá trình này sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, trước hết bằng việc tháo gỡ chính sách.

Cả nước còn gần 58.000 đơn vị SNCL với số lượng lao động đạt hơn 2,5 triệu người. Ảnh: ST.

Nhiều bất cập xuất hiện

Việc chuyển đổi các đơn vị SNCL sang công ty cổ phần đang được áp dụng theo các quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg. Song, gần đây, Quyết định này đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần được điều chỉnh. Đó là: Chưa có quy định chặt chẽ về nghĩa vụ tiếp tục cung cấp dịch vụ công của doanh nghiệp chuyển đổi từ đơn vị SNCL, chế tài nếu đơn vị SNCL không tiếp tục cung cấp dịch vụ công hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chưa quy định cơ chế giám sát, tổng hợp báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ công của các doanh nghiệp này; chưa quy định hết đối tượng các đơn vị SNCL có khả năng chuyển đổi thành công ty cổ phần như các đơn vị SNCL thuộc các cơ quan chuyên môn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh. Bên cạnh đó cũng chưa có hướng dẫn xử lý một số nội dung tài chính đặc thù của đơn vị SNCL; chưa có quy định về bán toàn bộ phần vốn nhà nước hiện có tại đơn vị SNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Đặc biệt, nhiều nội dung của Quyết định số 22 dẫn chiếu tới quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định về tài chính, kế toán đối với đơn vị SNCL và doanh nghiệp là khác nhau. Do vậy, việc hướng dẫn chuyển đổi các đơn vị SNCL thực hiện theo quy định như đối với chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần có thể tạo bất cập, khó khăn cho các đơn vị. Hơn nữa, phần lớn đơn vị SNCL đủ điều kiện chuyển đổi thành công ty cổ phần có quy mô nhỏ, nhưng tại Quyết định số 22 đang quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án chuyển đổi. Quy định này tăng khối lượng công việc của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Chính phủ, hạn chế tính chủ động của cơ quan chủ quản và kéo dài thời gian chuyển các đơn vị SNCL thành công ty cổ phần.

Để khắc phục những bất cập trên và thúc đẩy quá trình này trong thời gian tới, rất cần phải có một cú hích mạnh mẽ.

Nhà đầu tư chiến lược phải duy trì ngành nghề

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, đơn vị này đang chủ trì xây dựng một Nghị định để thay thế Quyết định số 22 về chuyển đơn vị SNCL thành công ty cổ phần. Một trong những thay đổi được đưa ra là điều kiện chuyển đơn vị SNCL thành CTCP. Bộ Tài chính đề xuất 3 điều kiện mà đơn vị SNCL cần đáp ứng để chuyển thành công ty cổ phần bao gồm: Tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi; còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị SNCL; thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị SNCL thành CTCP do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.

Hình thức chuyển đổi đơn vị SNCL có thể vẫn được giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị SNCL, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; bán một phần vốn nhà nước hiện có tại đơn vị SNCL hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ hoặc bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại đơn vị SNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Cũng theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, việc xây dựng Nghị định chú trọng mục đích xử lý căn cơ về vấn đề đất đai trong quá trình chuyển đổi. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp này phải có phương án sử dụng đất cụ thể khi thực hiện phương án cổ phần hóa. Sau khi cổ phần hóa, các công ty cổ phần phải sử dụng đất đúng mục đích đã được phê duyệt.

Dự thảo Nghị định cũng xác định cơ chế mới cho việc chuyển đơn vị SNCL thành công ty cổ phần. Cách làm theo Quyết định 22/2015/QĐ-TTg là các bộ, ngành, địa phương phê duyệt danh mục rồi trình Thủ tướng phê duyệt từng mục. Dự thảo Nghị định được thay đổi theo hướng Thủ tướng sẽ phê duyệt danh mục cho từng giai đoạn, sau đó UBND địa phương và các bộ sẽ quyết định phương án chuyển đổi và chịu trách nhiệm. Như vậy, mức độ phân cấp sẽ mạnh hơn. Việc điều chỉnh trách nhiệm, quyền hạn trong tổ chức chuyển đổi đơn vị SNCL như trên cũng sẽ giúp giảm thủ tục và thời gian thực hiện chuyển đổi, thể hiện được sự tăng cường phân cấp, phân quyền theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TƯ khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Các đơn vị SNCL trong lĩnh vực y tế, giáo dục chưa thuộc diện tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, những đơn vị nào đủ điều kiện và xung phong làm cũng có thể được thực hiện. Đối với các cơ sở y tế, giáo dục thuộc các tập đoàn, tổng công ty sẽ cổ phần hóa khi tập đoàn và tổng công ty thực hiện cổ phần hóa. Đây là trường hợp đã thực hiện tại Bệnh viện Dệt may thuộc Tập đoàn Dệt may, hoặc Viện nghiên cứu của Tập đoàn Cao su cũng đang tiến hành cổ phần hóa cùng Tập đoàn này.

Việc bán cho ai, ai được mua cũng sẽ được nêu ra rất cụ thể. Đối tượng mua cổ phần của đơn vị SNCL chuyển đổi gồm: Nhà đầu tư trong nước; nhà đầu tư nước ngoài; nhà đầu tư chiến lược. Việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các đơn vị SNCL thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ...

Dự thảo này sau khi chính thức phê duyệt được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc cổ phần hóa các đơn vị SNCL nhanh và hiệu quả hơn giai đoạn trước.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, cả nước còn gần 58.000 đơn vị SNCL với số lượng lao động đạt hơn 2,5 triệu người, trong đó ngành Y tế và Giáo dục chiếm gần 70% tổng biên chế. Lương chiếm gần 40% tổng quỹ lương của ngân sách nhà nước. Chỉ có 123 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 1.934 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; 12.968 đảm bảo một phần chi thường xuyên, 42.146 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo hoàn toàn hoạt động. Tuy nhiên, đến năm 2018, số lượng cổ phần hóa chỉ được trên 50 đơn vị, chưa đạt 0,09% số đơn vị SNCL đang hoạt động.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/can-cu-hich-de-thuc-day-co-phan-hoa-don-vi-su-nghiep-cong-lap-111016-111016.html