Căn cứ không quân tuyệt mật trong lòng núi của Nam Tư

Trang Sina của Trung Quốc vừa đăng tải chùm ảnh về căn cứ không quân Zeljava của Quân đội Nam Tư cũ, nơi dùng để cất giấu chiến đấu cơ trong núi.

Căn cứ Zeljava của Nam Tư được xây dựng vào năm 1957 (nhiều nguồn tin lại nói rằng thực chất công việc đã bắt đầu từ năm 1948).

Sang đến năm 1968 công việc đã hoàn thành, chi phí cho cơ sở quân sự đồ sộ này là 600 triệu USD (tương đương 6 tỷ USD vào thời điểm hiện tại), nguồn vốn lấy từ khoản vay xây dựng đường cao tốc mà Ngân hàng thế giới cung cấp cho đất nước vùng Balkan này.

Zeljava có mã định danh quân sự 4868, đây là một trong những công trình quân sự lớn và đắt nhất châu Âu, đây cũng là sân bay quân sự hàng đầu của Quân đội Cộng hòa Nam Tư cũ.

Lối vào căn cứ Zeljava hiện đã trong tình trạng hoang phế

Căn cứ Zeljava được xây dựng sâu trong lòng núi đá, cung cấp sự bảo vệ an toàn cho các loại máy bay chiến đấu cũng như binh lính trú ẩn trong đó, theo ước tính nó chịu được sức công phá của quả bom nguyên tử với đương lượng nổ 20 kT, tức là bằng quả bom ném xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản.

Hệ thống đảm bảo của sân bay Zeljava rất hoàn chỉnh, bao gồm cả hệ thống cấp điện, cấp nước và điều hòa không khí, các kho chứa lương thực đủ cho 1.000 người sử dụng trong 30 ngày.

Đường băng dài 3 km của sân bay dẫn thẳng vào trong lòng núi, tạo ra sự thuận tiện lớn trong công tác phòng thủ.

Mạng lưới đường giao thông trong lòng núi có độ dài lên tới 3,5 km với 4 lối ra vào, mỗi vị trí đó được lắp một cánh cửa thép nặng tới 100 tấn với hệ thống điều khiển bằng cơ cấu thủy lực.

Các tiêm kích đánh chặn MiG-21 của Không quân Nam Tư nằm trong lòng núi căn cứ Zeljava

Xung quanh căn cứ không quân Zeljava là dày đặc các trạm gác cũng như nhiều đơn vị túc trực của Quân đội Nam Tư, dân thường không thể ra vào, mọi sự cố gắng xâm nhập đều sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Sau năm 1992, khi Liên bang Nam Tư cũ tan rã, với sự ra đời của Cộng hòa Croatia, Cộng hòa Bosnia - Herzegovina và thành lập nên Liên bang Nam Tư mới bao gồm Serbia và Montenegro, những người lính trước khi rút khỏi đây đã phá hủy nó bằng 56 tấn chất nổ bên trong, gây ra trận động đất lớn tại thị trấn Bihac.

Căn cứ Zeljava đổ nát sau khi bị phá hủy

Có thể nhận thấy rằng kết thúc kỷ nguyên chiến tranh Lạnh, Liên bang Nam Tư cũng phải hứng chịu nhiều thiệt hại cả về kinh tế lẫn tiềm lực quốc phòng như Liên bang Xô Viết.

Hiện nay nước Nga đang từng bước lấy lại ánh hào quang của Liên Xô trước kia, nhưng Liên bang Nam Tư cũ đã mãi mãi không tồn tại, các nước cộng hòa kế tục nó chẳng thể nào làm được những gì nước Nga đang thực hiện.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/bi-mat-quan-su/can-cu-khong-quan-tuyet-mat-trong-long-nui-cua-nam-tu-3348297/