Căn cước công dân kỹ thuật số ngày càng phổ biến trên toàn cầu

Từ Luxemburg, Estonia đến Nam Phi và Việt Nam, một số chính phủ trên thế giới đang triển khai căn cước công dân kỹ thuật số, không nhất thiết lúc nào cũng ở dạng thẻ, để có thể ứng dụng nhiều chức năng.

Estonia - quốc gia đi đầu thế giới về quản trị kỹ thuật số xác định, căn cước công dân kỹ thuật số là nền tảng cho Nhà nước điện tử

Quần đảo Cayman và dự án đăng ký căn cước kỹ thuật số

Giữa tháng 6-2023, quần đảo Cayman, lãnh thổ hải ngoại của Anh ở vùng biển Caribbean bắt đầu triển khai đăng ký căn cước kỹ thuật số sau một quá trình chuẩn bị. Trên thực tế, quần đảo Cayman, với dân số 64.000 người, bắt đầu xây dựng sổ đăng ký căn cước điện tử và thẻ căn cước quốc gia từ năm 2021. Dự án sẽ tiêu tốn của đảo quốc này khoảng 9,6 triệu USD trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, kế hoạch này cũng gặp vướng mắc. Theo kế hoạch ban đầu, mọi công dân bắt buộc phải đăng ký căn cước kỹ thuật số. Do có ý kiến phản đối từ phe đối lập, chương trình hiện tại chỉ áp dụng với ai tự nguyện và cho phép người dùng chọn loại dữ liệu mà họ đồng ý chia sẻ.

Trong quá trình này, chính phủ điện tử của Quần đảo Cayman đã làm việc với Học viện Quản trị điện tử của Estonia về việc triển khai căn cước quốc gia khi một phái đoàn từ Cayman đã có chuyến thăm quốc gia châu Âu vào đầu tháng 6-2023.

Estonia quy định phải cập nhật phần mềm căn cước

Chính phủ Estonia đã cảnh báo chủ sở hữu thẻ căn cước kỹ thuật số rằng, họ sẽ không thể đăng nhập vào các dịch vụ công trực tuyến nếu không cập nhật phần mềm căn cước của mình trước ngày 13-6. Vào hôm đó, Cơ quan quản lý hệ thống thông tin Estonia thực thi việc chuyển đổi sang một giải pháp ký nhận và xác thực trên web mới có tên là Web eID. Theo tờ Estonian World, cơ quan nói trên đã giới thiệu giải pháp Web eID vào năm ngoái và kể từ đó, 75% người dùng phần mềm ID đã cập nhật phần mềm của họ và sử dụng Web eID.

Estonia được coi là quốc gia tiên phong trong quản trị kỹ thuật số và căn cước kỹ thuật số. Giải pháp Web eID cho phép sử dụng nguồn dữ liệu kỹ thuật số của Estonia, chẳng hạn như thẻ căn cước, căn cước kỹ thuật số và giấy phép cư trú để xác thực và ký nhận an toàn trên web.

Ngân hàng Nam Phi tung ra 400.000 thẻ căn cước thông minh

Ngân hàng Quốc gia Đầu tiên, một trong 4 ngân hàng lớn nhất của Nam Phi cho biết, họ đã phát hành 425.980 căn cước và hộ chiếu thông minh kể từ khi hợp tác với Bộ Nội vụ nước này. Ngân hàng hoạt động lâu năm nhất ở Nam Phi là một trong các đối tác của chính phủ về việc triển khai căn cước thông minh nhằm mục đích thay thế 38 triệu tài liệu giấy. Các khách hàng của Ngân hàng Quốc gia Đầu tiên có thể đăng ký thẻ thông minh trên cổng thông tin trực tuyến eHomeAffairs, sau đó đến các chi nhánh được chọn để lấy sinh trắc học. Các ngân hàng địa phương khác như Absa, Nedbank và Standard Bank cũng được đưa vào chương trình này.

Tháng 2-2023, Nam Phi đã đưa ra dự thảo luật giới thiệu một hệ thống nhận dạng sinh trắc học quốc gia (NIS) duy nhất và tích hợp cho tất cả những người sống trên lãnh thổ Nam Phi. Quốc gia này cũng đang nghiên cứu áp dụng giấy phép lái xe thông minh.

Luxembourg yêu cầu thẻ căn cước chứa sinh trắc học với công dân nước ngoài

Công dân nước ngoài sống ở Luxembourg với các thành viên gia đình là công dân EU sẽ phải có thẻ căn cước sinh trắc học từ tháng 8-2023. Từ ngày 3-8, quốc gia châu Âu này sẽ không chấp nhận giấy phép cư trú và thẻ thường trú in trên giấy có dán ảnh, theo Luxembourg Times.

Trước đó, Luxembourg đã cấp giấy phép cư trú mới và thẻ thường trú dưới dạng thẻ thông minh sinh trắc học kể từ năm 2021. Loại thẻ mới này chính là giấy phép lái xe hoặc thẻ căn cước đã được nâng cấp, chứa dữ liệu sinh trắc học và nhân khẩu học tối thiểu để giúp các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp quyết định xem căn cước có hợp lệ hay không.

Chiến dịch chuyển đổi căn cước công dân gắn chíp ở Việt Nam

Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện đang thí điểm xác thực khách hàng thông qua thẻ căn cước công dân gắn chíp kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dự án được cho là nhằm ngăn chặn việc bán, cho thuê và mượn tài khoản ngân hàng, một vấn đề đã gây khó khăn cho ngành ngân hàng trong thời gian gần đây.

Nằm trong khuôn khổ dự án, Ngân hàng Á châu (ACB) ra mắt giải pháp xác thực mang tên FPT.IDCheck cho phép đọc thẻ căn cước trên chíp và xác thực bằng nhận diện khuôn mặt. Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng sẽ cho phép công dân mở tài khoản ngân hàng bằng căn cước gắn chíp thông qua phần mềm Nhận biết khách hàng điện tử (eKYC).

Tới nay, gần 11,8 triệu người đã sử dụng thẻ căn cước gắn chíp để tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Bộ Công an Việt Nam đã đề xuất cấp thẻ căn cước có gắn chíp cho trẻ em từ 6 tuổi trở xuống. Vào tháng 3-2023, Việt Nam cũng bắt đầu phát hành hộ chiếu sinh trắc học, bao gồm thông tin sinh trắc học như dấu vân tay, mống mắt và khuôn mặt.

Theo Biometric Update.com

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-cuoc-cong-dan-ky-thuat-so-ngay-cang-pho-bien-tren-toan-cau-post543228.antd