Cần đa dạng hóa các hình thức truyền thông

Theo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 21 - NQ/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2020 tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số. Tuy nhiên, đến hết Quý I/2018 tỷ lệ này mới đạt 86,1%. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, cần đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức truyền thông.

Bắt đầu từ thế hệ trẻ

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết Quý I/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,68 triệu người; BHXH tự nguyện là 240 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,8 triệu người; BHYT là 80,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.

Năm 2016, Quỹ BHYT đã chi trả cho SV Nguyễn Huy Khánh số tiền điều trị hơn 1,6 tỷ đồng.

Năm 2016, Quỹ BHYT đã chi trả cho SV Nguyễn Huy Khánh số tiền điều trị hơn 1,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số những người tham gia bảo hiểm thì có 70% thuộc diện được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trong lĩnh vực BHYT còn khoảng 14%-15% trong số 2,2 triệu học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc đối tượng bắt buộc phải đóng BHYT nhưng chưa tham gia.

ThS Dương Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua bằng những kênh truyền thông đa dạng, nội dung truyền thông phong phú, chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ngày càng đến gần hơn với HSSV. Nhận thức của HSSV và phụ huynh HSSV về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ngày càng được nâng cao qua đó, công tác BHYT HSSV đã thu được nhiều kết quả tích cực. Bằng chứng là nếu năm học 2010-2011 toàn quốc mới chỉ có gần 70% số HSSV tham gia BHYT; năm học 2012-2013 có khoảng 80%; năm học 2013-2014 là 85%. Đến hết năm 2016, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 92,5% với khoảng 15,9 triệu HSSV.

Để đẩy mạnh tỷ lệ HSSV tham gia BHYT, ThS Dương Ngọc Ánh nhấn mạnh: Lứa tuổi thanh niên, HSSV càng cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho mình, bởi có sức khỏe tổt thì mới có thể phát triển toàn diện về trí lực và thể chất, nhân cách. Ai cũng có lúc bị ốm đau, bệnh tật, thậm chí tai nạn bất ngờ, không lường trước được; nếu không có sự chia sẻ, hỗ trợ từ Quỹ BHYT thì gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh sẽ là rất lớn đối với nhiều gia đình.

“Tham gia BHYT chính là cơ chế bảo đảm an toàn cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xã hội khi gặp rủi ro về sức khỏe. Đã có nhiều trường hợp học sinh sinh viên không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn... được Quỹ BHYT chi trả từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi đợt điều trị, không ít trường hợp được thanh toán tới hơn 1 tỷ đồng mỗi năm”, ThS Dương Ngọc Ánh cho biết.

Có thể kể ra đây trường hợp của em Nguyễn Huy Khánh- sinh viên Đại học Luật Hà Nội đang điều trị bệnh Hemophilia cả nội trú và ngoại trú từ năm 2010 tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Mỗi tuần, Khánh phải tới viện từ 3-4 lần và hàng năm, chi phí điều trị của em có thể lên tới hơn 1 tỷ đồng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, là trẻ mồ côi tại Làng trẻ SOS nên Khánh là đối tượng được bảo trợ xã hội và nhờ có thẻ BHYT, năm 2016, BHYT đã chi trả 100% chi phí điều trị cho em với số tiền là 1,6 tỷ đồng.

Phân tích thêm về ưu thế của việc tham gia BHYT HSSV, đại diện BHXH Việt Nam, ngoài việc được Quỹ BHYT chi trả đến 80% chi phí khám, chữa bệnh, nhóm HSSV đang hưởng thụ nhiều lợi ích từ việc khám, chữa bệnh bằng BHYT hơn hẳn các nhóm khác.

Theo quy định, HSSV khi mua BHYT sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ, giảm từ hơn 700.000 đồng xuống còn 492.000 đồng/ HSSV. BHXH Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% lên 50% cho nhóm đối tượng HSSV. Nếu được như vậy, HSSV tham gia BHYT theo trường lớp sẽ có lợi rất nhiều.

Do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT bằng nhiều hình thức đến HSSV và các bậc phụ huynh, ý nghĩa nhân văn của việc thực hiện chính sách này. Đây không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV mà còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của những chủ nhân tương lai của đất nước.

Chú trọng thông tin về lợi ích được hưởng

So với mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra, là phấn đấu đến năm 2020 có 50% số người lao động tham gia BHXH; 35% số người lao động tham gia BHTN và mới đây nhất là Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ phấn đấu đến năm 2020 phải đạt 90% dân số có BHYT thì hiện vẫn còn một khoảng cách rất lớn bởi tỷ lệ người tham gia BHXH và BHTN chưa cao.

Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó một phần do công tác truyền thông còn hạn chế. Nguyên nhân này cũng được chỉ ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020": Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa được quan tâm đúng mức về bộ máy quản lý cũng như nhân lực, hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, cần phải đánh giá toàn diện công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác truyền thông trong thời gian tới.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, TS Nguyễn Sơn Minh - Giảng viên khoa Báo chí-Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, với sự phát triển của công nghệ số ở nước ta thời gian qua tạo nền tảng quan trọng cho hoạt động truyền thông hiện đại và sự tăng trưởng các phương tiện truyền thông mới.

Có tới 67% người Việt Nam dùng internet, 53% dân số sử dụng các công cụ truyền thông xã hội và 72% người dân dùng điện thoại di động smartphone. Trong tình hình mới, trong bối cảnh kỹ thuật số, trên nền tảng mạng internet và mạng viễn thông di động, cần thử nghiệm và chấp nhận tư duy mới trong tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách mềm dẻo, linh hoạt, với phương châm: “Người dân thích đọc, nghe, xem sản phẩm truyền thông trước khi lồng ghép thông điệp tuyên truyền". Có như vậy mới đảm bảo hiệu quả của truyền thông về BHXH, BHYT.

Bên cạnh thông tin, truyền thông và đổi mới hình thức truyền thông về chính sách bảo hiểm bắt buộc, BHXH Việt Nam cũng cần xác định chiến lược truyền thông về các sản phẩm cạnh tranh với các đơn vị bảo hiểm khác của nhóm tham gia tự nguyện. Tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT bắt buộc cần mềm dẻo, linh hoạt hơn. Chú trọng thông tin về lợi ích, sự hấp dẫn của việc tham gia tự nguyện của người dân, thông tin các chương trình khuyến khích người dân tham gia tự nguyện, chấp nhận đó là một hoạt động kinh doanh có cạnh tranh.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-da-dang-hoa-cac-hinh-thuc-truyen-thong-72798.html