Cần đa thành phần hóa việc thực hiện dịch vụ công

Nhiều ý kiến về việc nghiên cứu làm rõ những nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công nào có thể chuyển giao cho tổ chức xã hội để 'giải phóng' biên chế

Ngày 16/8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức phi Chính phủ (NGO-IC) tổ chức Hội thảo “Đề xuất các giải pháp tăng cường chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội”.

TS Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và PGS.TS Hồ Uy Liêm – Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Thông tin tổ chức Phi chính phủ chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phan Tùng Mậu cho biết, hiện nay rất nhiều hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam chưa được tiếp cận với dịch vụ công, bởi việc chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức hội nhiều bất cập. Vì thế, cần có những giải pháp chính sách nhằm tăng cường chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội.

Toàn cảnh buổi hội thảo vào sáng ngày 16/8

Góp ý tại hội thảo, ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cho rằng, để nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng công quyền thông qua dịch vụ công, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa việc phân định thực hiện nhiệm vụ dịch vụ công theo hướng: Những dịch vụ công nào mà nhân dân, các tổ chức phi Nhà nước có thể làm tốt hơn thì nên để cho nhân dân, các tổ chức phi nhà nước đó thực hiện.

Cụ thể, cần đa thành phần hóa việc thực hiện dịch vụ công của Nhà nước - nghĩa là, một số loại dịch vụ công có thể được thực hiện bởi nhiều thành phần kinh tế khác nhau dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

Bên cạnh đó, nên có nghiên cứu luật hóa các quy định về các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức công ích.

Còn theo ý kiến của PGS.TS Lê Chi Mai – Hội Khoa học hành chính Việt Nam, để tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội vào cung cứng các dịch vụ công, Nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức này có thể phát huy được vai trò và năng lực của mình phục vụ các lợi ích chung thiết yếu cho xã hội.

Các tổ chức tham gia cung ứng dịch vụ công cần được Nhà nước ưu đãi về chính sách thuế và tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất (cho thuê đất…) để hỗ trợ các tổ chức này về mặt tài chính, vì đây là các tổ chức không vì lợi nhuận và góp phần thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ công của Nhà nước vì lợi ích chung của cộng đồng.

Có thể quy định mức thuế thu nhập doanh nghiệp có ưu đãi đối với các tổ chức xã hội cung ứng các dịch vụ công thiết yếu không vì lợi nhuận. Việc cho thuê đất hay cơ sở vật chất đối với các tổ chức xã hội cung ứng dịch vụ công được thực hiện theo hợp đồng thuê đất với mức giá hợp lý, thời gian cho thuê đất phù hợp với thời gian đăng ký hoạt động của tổ chức này.

TS Tạ Ngọc Hải – Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội Vụ cho rằng, phải đổi mới phương thức tài trợ của Nhà nước, áp dụng nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, áp dụng chính sách huy động nguồn lực của xã hội tham gia cung ứng dịch vụ cũng như hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận dịch vụ công.

Bên cạnh đó, cần thống nhất quan điểm đổi mới thể chế để việc tổ chức và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản của thị trường.

TS Tạ Ngọc Hải phát biểu tại buổi hội thảo

Cũng theo TS Hải, nên sửa đổi bổ sung chính sách trong đó thể hiện quan điểm, các loại hình, hình thức chuyển giao dịch vụ công như Nhà nước bán một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp nhà nước cung ứng dịch vụ công cho tư nhân hoặc một tập thể; Nhà nước bán một phần cổ phần của doanh nghiệp nhà nước cung ứng dịch vụ công ra ngoài xã hội; nhà nước cho thuê doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công đối với tư nhân hoặc tập thể; khoán kinh doanh cung ứng dịch vụ công cho tư nhân hoặc tập thể; ký hợp đồng hoặc đơn đặt hàng đối với các doanh nghiệp hoặc tổ chức trong việc cung ứng dịch vụ công theo yêu cầu của nhà nước; cho phép các doanh nghiệp hoặc tổ chức tư nhân tham gia vào các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công và chịu sự quản lý của nhà nước thông qua luật lệ và quy chế.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến về việc nghiên cứu làm rõ những nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công nào có thể chuyển giao cho tổ chức xã hội để “giải phóng” biên chế; xác định tiêu chí lựa chọn các dịch vụ công, thủ tục hành chính có thể chuyển giao cho tổ chức xã hội.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/can-da-thanh-phan-hoa-viec-thuc-hien-dich-vu-cong-3385782/