Cần đảm bảo cả số lượng và chất lượng

Để tuyên truyền, giáo dục đoàn viên CĐ, NLĐ một cách thiết thực và hiệu quả, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Kết quả hoạt động của đội ngũ này thời gian qua đã được ghi nhận, song để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới cần nâng cao chất lượng hơn nữa.

Tuyên truyền pháp luật về BHXH cho đoàn viên, NLĐ tỉnh Điện Biên. Ảnh: NHƯ HOA

Mỗi báo cáo viên trực tiếp tuyên truyền ít nhất 1 lần/tháng

Tính đến tháng 6.2018, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên CĐ cấp trên cơ sở và cấp cơ sở của Đắk Lắk có trên 1.300 người. Với tính đặc thù của một tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk có địa bàn rộng, NLĐ tại các doanh nghiệp caosu, cà phê phần lớn là người dân tộc thiểu số, nên việc chọn lựa báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng phải phù hợp với các yêu cầu đặc thù đó. Định kỳ hằng quý, LĐLĐ tỉnh tổ chức hội nghị báo cáo viên để trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp đầy đủ tài liệu cho báo cáo viên; đồng thời tranh thủ các báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đến chia sẻ, cung cấp thông tin. Kết quả hằng năm, hầu hết báo cáo viên, tuyên truyền viên luôn phát huy vai trò trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cụ thể mỗi báo cáo viên đã trực tiếp tuyên truyền ít nhất 1 lần/tháng; hằng năm, báo cáo viên, tuyên truyền viên CĐ các cấp trong tỉnh thực hiện trên 200 cuộc tuyên truyền với trên 34.000 lượt cán bộ CĐ và CNVCLĐ tham gia. Tính cả nhiệm kỳ, báo cáo viên CĐ các cấp trong tỉnh đã tuyên truyền trên 1.000 cuộc cho gần 175.000 lượt cán bộ CĐ và CNVCLĐ tham gia.

Nhiệm kỳ qua, LĐLĐ tỉnh Điện Biên có 3 báo cáo viên cấp Tổng LĐLĐVN, 6 báo cáo viên cấp tỉnh và 13 báo cáo viên cấp huyện, thị xã, thành phố và hàng trăm báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh đang duy trì hoạt động của Hội cộng tác viên tuyên truyền, với sự tham gia của 30 cộng tác viên công tác tại các Ban Đảng tỉnh, Báo Điện Biên Phủ, Đài PTTH tỉnh và LĐLĐ tỉnh. Theo đại diện LĐLĐ tỉnh Điện Biên, để truyền tải các nội dung cần tuyên truyền đến CNVCLĐ đạt hiệu quả, yếu tố con người mà trực tiếp là những người làm công tác tuyên truyền sẽ quyết định rất lớn.

Phải xác định đối tượng để có hình thức tuyên truyền phù hợp

Một trong số kinh nghiệm được LĐLĐ tỉnh Điện Biên đúc kết là xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực sự là những người có phẩm chất đạo đức tốt; có quan điểm, lập trường vững vàng; am hiểu về tổ chức và hoạt động CĐ; biết lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của CNVCLĐ và đoàn viên CĐ để từ đó tập hợp, định hướng và đề xuất với CĐ cấp trên những vấn đề bất cập, nổi cộm ở cơ sở. Điều quan trọng nhất của người báo cáo viên, tuyên truyền viên trong công tác tuyên truyền là phải biết lựa chọn nội dung, những vấn đề nóng có tính thời sự và phải xác định rõ đối tượng, địa điểm, phương pháp, hình thức để tổ chức các hoạt động tuyên truyền.

Còn các cấp CĐ tỉnh Đắk Lắk đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung củng cố, kiện toàn, đảm bảo số lượng và chất lượng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên CĐ các cấp. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao kiến thức về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường nắm bắt cung cấp thông tin bằng nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực để báo cáo viên, tuyên truyền viên có các điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Tích cực nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức, biện pháp tuyên truyền theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sát thực tế, phù hợp từng loại hình, đối tượng lao động, phù hợp ngành nghề, địa phương. Tích cực áp dụng công nghệ thông tin, mạng Internet, các trang mạng xã hội, Facebook… trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong hệ thống CĐ, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên. Công tác tuyên truyền miệng đòi hỏi phải có sự đổi mới thực sự cả về nội dung, cách thức theo hướng chủ động kịp thời hơn, nhạy bén, sâu sắc hơn, toàn diện. Công tác tuyên truyền phải hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn cuộc sống. Báo cáo viên, tuyên truyền viên phải trở thành nhịp cầu đưa thông tin chính thống, thông tin có định hướng đến với CNVCLĐ.

VŨ BÙI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/can-dam-bao-ca-so-luong-va-chat-luong-634781.ldo