Cần đảm bảo cung ứng vắc-xin trong chăn nuôi

Từ cuối tháng 12/2018 đến đầu tháng 1/2019, toàn tỉnh liên tiếp xảy ra 3 ổ dịch cúm gia cầm tại các địa phương: Móng Cái, Tiên Yên và Hải Hà và 3 ổ dịch lở mồm long móng trên lợn tại TX Đông Triều. Theo nhận định của giới chuyên môn, công tác tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nhiều 'lỗ hổng' cần phải được khắc phục.

Cán bộ thú y huyện Đầm Hà tiêm phòng cho trâu. Ảnh: Khánh Đan

Hằng năm, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ người dân tiêm phòng vắc xin 2 đợt, vào 2 vụ nuôi chính là tháng 4, 5 và tháng 9, 10. Gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng vào 2 đợt (nuôi mới, tái đàn) đều phải tiêm bổ sung, kinh phí do người dân tự chi trả. Nguồn vắc xin cung ứng cho người dân khi có nhu cầu tiêm bổ sung được quy định do các địa phương cấp huyện đảm nhiệm, trong đó đầu mối là các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện.

Cái thuận của các trung tâm là nơi được giao nhiệm vụ duy trì liên tục nguồn 10% vắc xin dự phòng cho địa phương để dập dịch khi có dịch xảy ra, nhờ đó có thể chủ động nguồn vắc xin để cung ứng cho người dân khi cần. Các trung tâm cũng được đầu tư khá đầy đủ hệ thống thiết bị đảm bảo chất lượng vắc xin như kho lạnh, tủ bảo ôn, và có đội ngũ cán bộ chuyên môn có thể tư vấn hoặc thực hiện thao tác tiêm trên đàn gia súc, gia cầm cho các hộ dân. Khi thực hiện chức năng cung ứng vắc xin, nguồn 10% vắc xin dự trữ tại các trung tâm cũng được lưu thông liên tục, tránh được việc tồn dư, quá hạn vắc xin dẫn đến lãng phí.

Bất cập hiện nay trong công tác này là việc cung ứng, kiểm soát nguồn vắc xin của các địa phương, cụ thể là các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp lại thiếu kịp thời và chặt chẽ, gây khó khăn cho người dân.

Đàn gà 3.000 con của ông Nguyễn Văn Lui (xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) bị chết do dịch cúm gia cầm ngày 7/1.

Qua kết quả kiểm tra thực tế của Sở NN&PTNT, hiện nay hầu hết các địa phương có dự trữ nguồn 10% vắc xin dự phòng và khi nào xuất hiện dịch trên địa bàn mới xuất quỹ để mua vắc xin về. Việc này phát sinh nguy cơ trong những thời điểm khan hiếm vắc xin thì khó có thể đặt mua kịp thời vắc xin về dập dịch hoặc phòng chống bệnh. Đơn cử như tại TX Đông Triều, 5 ngày sau ổ dịch lở mồm long móng thứ 3 (ngày 3/1) được phát hiện vẫn chưa mua được vắc xin để tiêm bao vây dập dịch cũng như có nguồn vắc xin để cung ứng cho các hộ nuôi lân cận tiêm phòng, chống lây lan. Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bệnh lở mồm long móng có khả năng lây lan rất nhanh, không chỉ trên đàn lợn mà cả sang trâu, bò, dê. Trong khi đó Đông Triều có tổng đàn lợn lớn nhất tỉnh, chỉ tính số lượng lợn thịt, hiện toàn thị xã có đến trên 80.000 con và đang vào giai đoạn nuôi vỗ lớn để phục vụ dịp Tết Nguyên đán này.

Cũng do không chủ động về nguồn vắc xin nên các trung tâm kỹ thuật nông nghiệp dường như không thực hiện được chức năng cung ứng dịch vụ vắc xin cho người dân. Việc này khiến người dân buộc phải mua vắc xin từ bên ngoài, thông qua các đại lý thuốc thú y hoặc nguồn trôi nổi trên thị trường. Theo đại diện Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có rất ít đại lý thuốc thú y được phép cung ứng vắc xin do không đáp ứng được những điều kiện khắt khe về hạ tầng, thiết bị, con người… Còn nguồn vắc xin trôi nổi ngoài thị trường tất nhiên không được kiểm soát về chất lượng, chủng loại, khiến cho việc cung ứng vắc xin tiêm phòng bổ sung càng trở lên bát nháo, thật giả lẫn lộn, làm giảm hoặc không có hiệu quả tiêm phòng bệnh.

Xã Sông Khoai, TX Quảng Yên tiêu hủy đàn vịt bị bệnh. Ảnh: Hoàng Nga

Có thể thấy tiêm phòng vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng chống phát sinh, lây lan dịch bệnh, bảo toàn đàn gia súc, gia cầm cũng như giá trị ngành chăn nuôi. Hằng năm tỉnh cấp số tiền lớn để tiêm phòng miễn phí vào 2 vụ nuôi chính cho các hộ chăn nuôi. Tuy nhiên những nỗ lực trên sẽ vô nghĩa, dịch bệnh vẫn nổ ra và trên diện rộng nếu như các công tác tiêm phòng bổ sung cho các đối tượng nuôi mới, nuôi tái đàn và nuôi vào ngoài thời điểm 2 đợt tiêm phòng chính của tỉnh không được thực hiện.

Tình trạng này còn có thể làm thiệt hại đến toàn ngành chăn nuôi, bởi hiện ngày càng có nhiều yếu tố bất lợi tác động, làm phát sinh, lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, như hệ thống sản xuất chưa đồng bộ, chưa chủ động được về con giống, thức ăn; điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm phức tạp, làm xâm nhiễm các mầm bệnh từ nơi khác vào nội địa… Bên cạnh đó đặc thù ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn chủ yếu là nuôi nông hộ, chiếm đến hơn 70% tổng số hộ chăn nuôi vốn quy mô nhỏ, chuồng trại tạm bợ, tư duy chủ hộ còn nhiều hạn chế, dẫn đến gây khó khăn trong công tác vệ sinh phòng bệnh.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201901/can-dam-bao-cung-ung-vac-xin-trong-chan-nuoi-2418362/