Cần đảm bảo quyền lợi của các hộ dân khi chuyển đổi loại rừng

Thời gian qua, chủ trương giao khoán đất rừng đã khẳng định tính hiệu quả trong việc giữ rừng, đồng thời tạo cơ chế hưởng lợi cho hộ gia đình tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo công bố công khai quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 3722/QĐ-UBND ngày 19/9/2018 của UBND tỉnh, rừng sản xuất của các hộ dân lại được quy hoạch là rừng phòng hộ phải quản lý bảo vệ theo quy chế rừng phòng hộ. Do đó, quyền lợi của các hộ dân khi được giao rừng sản xuất bị thay đổi, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của các hộ dân. Đây cũng là kiến nghị của cử tri huyện Vân Đồn đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Nhiều diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Vân Đồn được chuyển sang từ rừng sản xuất của các hộ dân.

Từ năm 2001, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Vân Đồn đã thực hiện giao khoán đất rừng cho các hộ thành viên là những CBCN đang làm việc, đã nghỉ hưu và nhân dân địa phương. Trong quá trình thực hiện giao khoán, công ty hỗ trợ cung cấp cây giống có chất lượng, kiến thức về công tác quản lý bảo vệ rừng, tư vấn kỹ thuật cho các hộ trồng rừng. Đến kỳ thu hoạch, công ty nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường và chỉ thu lại của các hộ nhận khoán 5% giá trị sản phẩm để phục vụ cho công tác bảo vệ rừng.

Các hộ nhận rừng phải cam kết sử dụng rừng đúng mục đích, đầu tư công chăm sóc và phải có trách nhiệm chung trong công tác bảo vệ rừng. Nhờ đó rừng và đất rừng được quản lý và kinh doanh hiệu quả hơn, nạn chặt phá rừng cũng chấm dứt hoàn toàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện Vân Đồn có hơn 2.748ha rừng sản xuất của 628 hộ dân chuyển đổi thành rừng phòng hộ và rừng cảnh quan môi trường… Số diện tích trên đến nay đều chưa được thực hiện chính sách hỗ trợ sau chuyển đổi, người dân vẫn tự bỏ vốn để trồng rừng rồi thu hoạch bình thường như trước đây.

Ông Lê Văn Lê (thôn Đông Thành, xã Đông Xá), công nhân đã nghỉ hưu tham gia nhận khoán đất trồng rừng của công ty, cho biết: Việc giao khoán đất rừng cho các hộ dân là một chính sách rất thiết thực vừa giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định, đời sống gia đình ngày càng được cải thiện. Điều quan trọng nhất là tăng thêm nhiều người sản xuất có ý thức gắn liền trách nhiệm của mình trong suốt cả quá trình sản xuất lâm nghiệp. Do quy hoạch 3 loại rừng thì toàn bộ diện tích rừng sản xuất 70ha của gia đình được quy hoạch là rừng phòng hộ, nên không được khai thác. Là những người dân nhận đất rừng từ nhiều năm nay, tự bỏ vốn ra để trồng rừng, chúng tôi sẵn sàng chấp hành quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ đền bù để người dân có nguồn lực chuyển đổi công việc, hoặc tìm diện tích canh tác khác.

Diễn tập chữa cháy rừng tại huyện Vân Đồn. Ảnh: Nguyễn Nhân (Công an Vân Đồn)

Những khó khăn cho thực hiện chính sách hỗ trợ là bởi, tất cả diện tích rừng sản xuất chuyển đổi sang rừng phòng hộ khi khai thác phải thực hiện đúng quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 15, Quyết định 17/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể phương thức khai thác là chặt chọn cây trồng chính với tỷ lệ không quá 20% trữ lượng rừng đã định hình, hoặc khai thác trắng theo băng, đám xen kẽ nhau. Trong đó tổng diện tích khai thác trắng hằng năm không quá 20% tổng diện tích rừng đã định hình và diện tích mỗi khu chặt trắng không quá 3ha; khai thác theo đám không quá 1ha/đám. Sau khai thác phải trồng lại vào vụ trồng rừng kế tiếp. Quy định khai thác như trên nhằm tránh tình trạng khai thác trắng trên diện tích lớn dẫn đến giảm khả năng phòng hộ của rừng. Vậy nên, việc này gây khó khăn cho người dân do khâu khai thác mất nhiều công sức, chi phí mà doanh thu lại manh mún, việc xử lý thực bì và khâu vận chuyển sau khai thác bị hạn chế do phải đi qua các lô rừng chưa khai thác…

Có thể thấy việc chuyển đổi rừng sản xuất sang rừng phòng hộ khi chưa thực hiện chính sách hỗ trợ, đền bù cho dân như hiện nay đã và đang nảy sinh nhiều bất cập, khó khăn. Các đơn vị chức năng của tỉnh cần quan tâm sớm giải quyết vấn đề này.

Hiểu Trân

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201911/can-dam-bao-quyen-loi-cua-cac-ho-dan-khi-chuyen-doi-loai-rung-2460553/