Cần đánh giá những tồn tại trong việc tiếp công dân

Sáng 11/7, UBTQH đã thông qua Nghị quyết về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Trước khi biểu quyết thông qua, UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra nội dung này.

Quốc hội thông qua nghị quyết

Chủ nhiệm UBKT nêu rõ, ngày 11/01/2022, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết số 44), trong đó, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha bao gồm đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 44 quy định: “Giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư Dự án”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nhiều ý kiến khác cho rằng Dự án có diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng lớn là 1.054,63 ha, trong đó rừng phòng hộ là 111,84 ha, rừng đặc dụng 4,45 ha, rừng sản xuất 802,91 ha, ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 145,43 ha, do đó, để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về lâm nghiệp và phù hợp với tình hình thực tế thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp, đúng thẩm quyền theo quy định.

Hồ sơ kèm theo Tờ trình số 248 của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày của Chính phủ.

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với một số nội dung như:

Thứ nhất, thống nhất quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 theo nhiệm vụ Quốc hội giao tại khoản 2, điều 3 của Nghị quyết số 44/2022/QH15.

Thứ hai, thống nhất về nguyên tắc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên tăng thêm so với Nghị quyết 44 và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ để kịp thời triển khai việc thực hiện đúng tiến độ. Đồng thời đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, bảo đảm bảo đúng quy định về ủy quyền.

Thứ ba, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng ngoài các nội dung nêu tại điểm 1, điểm 2, các nội dung khác phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (nếu có) phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của UBTVQH trình Chủ tịch Quốc hội kỷ ban hành.

Cần có đánh giá những tồn tại trong tiếp công dân

Cùng ngày, UBTVQH thảo luận về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6 năm 2022.

Cho ý kiến về nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao Báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, đề nghị Báo cáo cần bổ sung thêm về tình hình khiếu nại, tố cáo tháng 5 và tháng 6 có xu hướng như thế nào, tăng hay giảm so với tháng trước và nhận định bức tranh chung, những điều cần lưu ý tình hình khiếu nại, tố cáo trong 6 tháng đầu năm để cung cấp các thông tin cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan đảm bảo chất lượng, hiệu quả hơn.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.

Về phần kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy, Báo cáo mới chỉ đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế của việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo mà chưa đánh giá được kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế của công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cử tri. Vì vậy đề nghị bổ sung nội dung này, nêu lên được những khó khăn trong việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cử tri để từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng công tác này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đáng giá, cơ bản Báo cáo chất lượng tốt, về kết cấu, báo cáo tập trung vào công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6, có phần nhìn lại 6 tháng năm 2022. Tuy nhiên cần đánh giá những gì có chuyển biến tích cực, chuyển biến bước đầu, những gì chưa chuyển biến, phải kịp thời có kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Trên cơ sở Báo cáo này và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Dân nguyện nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện thêm để có báo cáo công tác dân nguyện chính thức gửi cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh thành, các vị ĐBQH.

Thực tế hiện nay, dư luận nổi lên nhiều vấn đề, cử tri lo lắng vấn đề liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc cũng nhiều. Chính phủ đã có phản ứng tức thời và quyết liệt đối với các vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, các nội dung mà Ban Dân nguyện nêu lên trong Báo cáo rất đầy đủ. Chất lượng kỳ họp ngày càng sát với thực tiễn, kể cả vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp. “Nên chăng cần phải thu thập hồ sơ các vụ việc phức tạp, kéo dài, cái nào giải quyết được ngay, cái gì tập trung giải quyết, cái nào sau này phải đưa vào nghị quyết Quốc hội giám sát tối cao để kiểm đếm, thống kê, tiếp tục phân tách ra, cái nào đưa vào diện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ để xử lý”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nên bổ sung các nội dung này, hoàn thiện báo cáo kịp thời gửi đến cho Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan trực tiếp làm việc này như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Bộ Công an, các bộ, ngành, đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và cho các vị đại biểu Quốc hội, có những ý kiến nghị rất cụ thể, rõ ràng.

Nguyên Bình

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/can-danh-gia-nhung-ton-tai-trong-viec-tiep-cong-dan-210261.html