Cần đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến, giảm xuất khẩu thô

Ngày 14-11, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức hội thảo 'Xúc tiến đầu tư trong công nghiệp chế biến thực phẩm', hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt tại thị trường trong nước và quốc tế, nhằm hạn chế tình trạng xuất khẩu thô.

Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến 2025, tầm nhìn đến 2035...

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó Hiệp định EU - Việt Nam (EVFTA) là cơ hội lớn để sản phẩm Việt Nam xuất hiện tại nhiều quốc gia hơn trên thế giới. Đến năm 2020 Việt Nam sẽ là một “mắc xích” quan trọng của mạng lưới kinh tế thế giới.

Nhiều sản phẩm hàng của Việt Nam xuất khẩu thô nên chưa có giá trị gia tăng cao.

Nhiều sản phẩm hàng của Việt Nam xuất khẩu thô nên chưa có giá trị gia tăng cao.

Đặc biệt, mở thêm “cánh cửa” thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, tham gia vào các chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế. Tăng tính hấp dẫn với đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước... Được đánh giá là một ngành đang có đà phát triển tốt, giai đoạn 2013- 2018 ngành chế biến nông, lâm, thủy sản đã phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng giá trị khoảng 5-7%/năm.

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng mạnh, tăng bình quân 8-10%/năm. Riêng năm 2018, xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD, đã nâng vị thế của Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu ngành nông, lâm, thủy sản lớn trên thế giới, và chưa dừng lại ở đó, mục tiêu trong năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ tăng lên 42-43 tỷ USD. Đến nay, sản phẩm chế biến nông sản, thực phẩm Việt Nam đã xuất sang 180 nước và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục XTTM: “Bên cạnh những ưu điểm đó, ngành chế biến nông, lâm, thủy sản còn tồn tại những nút thắt trong chuỗi giá trị sản xuất như: Năng lực công nghệ chế biến một số ngành hàng còn thấp, chủ yếu là sản phẩm thô, chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp... và ngành này đang đối mặt với nhiều thách thức như: Ngành sản xuất nông nghiệp dễ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguyên liệu phục vụ chế biến chưa ổn định, năng lực cạnh tranh của các DN trong nước còn thấp, tiêu thụ nông lâm thủy sản Việt Nam quá phụ thuộc vào một số thị trường...”.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2019, các mặt hàng gồm: thủy sản, rau củ quả, hạt điều, gạo, xuất khẩu hầu hết là nguyên liệu thô và chưa qua chế biến. Cần xuất khẩu thêm thực phẩm chế biến với giá trị tăng cao.

Tại hội thảo, TS Frauke Schmitz – Bauerdick, Trưởng đại diện Cục XTTM và Đầu tư của CHLB Đức tại Việt Nam cũng lưu ý: “Các Hiệp định như CPTPP, EVFTA sẽ mang đến triển vọng lớn cho sự thúc đẩy hơn nữa của ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam. Các giao dịch sẽ trở nên dễ dàng hơn, rẻ hơn và có thể nhanh hơn, nhưng để cạnh tranh ở các thị trường phát triển như Úc, Nhật hay Đức, thì ngành thực phẩm Việt Nam phải tuân thủ các yếu tố nghiêm ngặt về an ninh lương thực và chất lượng”.

Trên cơ sở nhận định về thực trạng, cơ hội, thách thức của ngành chế biến nông, lâm, thủy sản, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết: “Trong kế hoạch phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam định hướng ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất chế biến, từ đó xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Mục tiêu đến 2030, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65-70 tỷ USD (bằng 200% so với hiện nay).

Để làm điều này, ngành chế biến nông sản, thực phẩm cần đáp ứng được nhu cầu của sản xuất quy mô lớn và trình độ công nghệ đạt trung bình tiên tiến trở lên. Trong đó, giải pháp hợp tác đầu tư, kinh doanh với các đối tác có công nghệ hiện đại là giải pháp quan trọng”.

Thực tế, hiện nay ngành công nghiệp chế biến tại Việt Nam cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia. Phần lớn, các dự án FDI về lĩnh vực này thường tập trung vào các TP lớn và tập trung vào các dự án thu hồi vốn nhanh như: chế biến nông sản, bia rượu đồ uống, chế biến thủy sản...

Theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Tính đến tháng 10-219, FDI trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm có 582 dự án với tổng vốn đầu tư 9,77 tỷ USD. Các đối tác đầu tư chủ yếu: Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà Lan...

Ngoài lợi thế có nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động lớn, khí hậu thuận lợi... các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm sẽ có cơ hội được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt như: Thuế thu nhập DN 10-15 năm; Miễn tiền thuê đất và thuê mặt nước trong 3-15 năm; Ưu tiên các dự án với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường và giá trị gia tăng cao...

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/can-dau-tu-manh-vao-cong-nghiep-che-bien-giam-xuat-khau-tho-569997/