Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy

Trong những năm qua, số lượng các cơ sở, công trình, khu công nghiệp, khu dân cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại... liên tục gia tăng. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ đã tác động không nhỏ đến công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) trên cả nước.

5 năm cả nước xảy ra 126 vụ cháy

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo; các địa phương, cơ sở tích cực thực hiện với nhiều hình thức, phương pháp đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về công tác PCCC.

Toàn cảnh đám cháy kho chứa giấy, nhựa tại thôn Đông Yên, xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Toàn cảnh đám cháy kho chứa giấy, nhựa tại thôn Đông Yên, xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Tuy nhiên hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, các hình thức, biện pháp tuyên truyền thiếu chiều sâu, chậm đổi mới; kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền còn hạn hẹp… nên ý thức của người dân về PCCC ở nhiều nơi, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người còn thấp.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước xảy ra 126 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, làm chết 35 người, bị thương 92 người, thiệt hại về tài sản khoảng 5.000 tỷ đồng. Trung bình một năm xảy ra khoảng 30 vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Cháy lớn tuy chỉ chiếm dưới 1% tổng số vụ nhưng thiệt hại chiếm trên 70% tổng số thiệt hại. Thiệt hại trung bình của một vụ cháy lớn khoảng 40 tỷ đồng. Các loại hình cơ sở xảy ra cháy lớn chủ yếu là cơ sở sản xuất công nghiệp có diện tích nhà xưởng, kho tàng với quy mô lớn, tồn trữ nhiều loại hàng dễ cháy.

Trên cơ sở điều tra nguyên nhân các vụ cháy lớn cho thấy nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy chủ yếu là: Do sự cố hệ thống, thiết bị điện; do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng lửa, khí đốt; do vi phạm an toàn PCCC trong thi công, hàn, cắt kim loại.

Nguyên nhân dẫn đến cháy lớn chủ yếu do việc phát hiện và báo cháy muộn (chiếm hơn 80%). Cháy lớn chủ yếu xảy ra vào ban đêm hoặc ngày nghỉ, lực lượng thường trực mỏng nên khi xảy ra cháy không phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời, khi cháy lan rộng mới báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Nhiều cơ sở còn tồn tại, vi phạm quy định về PCCC nhưng chưa được chủ cơ sở quan tâm, khắc phục như: Việc bố trí các xưởng sản xuất, nhà kho, văn phòng làm việc, sắp xếp hàng hóa, vật tư vượt quá tải trọng so với thiết kế ban đầu, không bảo đảm khoảng cách chống cháy, ngăn cháy là điều kiện khiến đám cháy lan rộng từ khu vực này sang khu vực khác. Không tổ chức duy tu, bảo dưỡng định kỳ dẫn đến hư hỏng, không phát huy được hiệu quả báo cháy, chữa cháy ngay từ ban đầu. Công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, Cảnh sát PCCC tại một số nơi bị buông lỏng.

Mặc dù hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC cơ bản được ban hành kịp thời, làm cơ sở cho các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý trong việc đưa ra các giải pháp thiết kế về PCCC.

Tuy nhiên, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn có những quy định không còn phù hợp tình hình hiện nay nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Có những loại hình cơ sở có tính chất đặc thù nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, phải vận dụng tiêu chuẩn nước ngoài nên gặp phải những khó khăn do thiếu đồng bộ giữa hệ thống cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật của Việt Nam và các quốc gia này.

Trong khi công tác PCCC tại chung cư, nhà cao tầng chưa được quan tâm. Theo ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở còn tính hình thức, đối phó. Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, phương tiện...) chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy. Nhiều vụ cháy do không được dập tắt kịp thời đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng PCCC chưa thực sự chặt chẽ.

Phải lấy “phòng” là chính

Trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng PCCC, trong đó tập trung xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ mà lực lượng dân phòng giữ vai trò nòng cốt tại địa bàn dân cư theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại một cơ sở sản xuất. Ảnh: Mạnh Linh

Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ thành lập lực lượng PCCC ở cơ sở còn thấp so với quy định (đội dân phòng đạt tỷ lệ 23%; đội PCCC cơ sở đạt tỷ lệ 66%; đội PCCC chuyên ngành đạt tỷ lệ 63%). Các đơn vị Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ chưa được bố trí đầy đủ theo yêu cầu nhiệm vụ, bán kính hoạt động xa, số lượng cơ sở lớn so với quy định đã hạn chế hiệu quả hoạt động.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, cần lấy phòng là chính, phải quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, cũng như triển khai nghiêm túc quy định xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ được Luật PCCC quy định.

Theo báo cáo của Chính phủ thì số vụ việc do lực lượng tại chỗ tự dập tắt chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ chiếm trên 20% tổng số vụ cháy nổ được xử lý.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần tập trung đánh giá nguyên nhân của tình trạng hiệu quả PCCC của lực lượng tại chỗ chưa cao, qua đó đưa ra giải pháp phù hợp.

Để phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình và Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để PCCC cho người dân - một lực lượng tại chỗ quan trọng để PCCC.

Đưa ra ví dụ về một số vụ cháy rừng, cháy chung cư do bất cẩn của một cá nhân, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần chú ý phân loại đối tượng để có thể tập trung tuyên truyền nhiều hơn cho những đối tượng có nguy cơ cao, vừa giúp tiết kiệm kinh phí, vừa thiết thực hơn cho công tác tuyên truyền.

V.T/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/can-day-manh-cong-tac-tuyen-truyen-trang-bi-kien-thuc-ky-nang-ve-phong-chay-chua-chay-20191110115327859.htm