Cần đề phòng nạn tham nhũng đất đai nhân danh xây sân bay

Trước 'trào lưu' nhiều tỉnh, thành đồng loạt đề xuất được xây dựng sân bay, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không - Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng cần quy hoạch hệ thống sân bay hợp lý, tránh tình trạng lợi dụng danh nghĩa làm sân bay để tham nhũng đất đai.

Nhiều tỉnh muốn có cảng hàng không

Triển khai Luật Quy hoạch mới, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Quá trình lập quy hoạch, nhiều địa phương đề xuất bổ sung cảng hàng không trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phát triển du lịch, an ninh quốc phòng. Cuối năm 2022, Cục Hàng không Việt Nam và đơn vị tư vấn đã rà soát, làm việc với các địa phương, nêu kết quả nghiên cứu và đánh giá về khả năng quy hoạch sân bay, nhu cầu vận tải của địa phương.

Hai sân bay được Bộ đề xuất đưa vào quy hoạch là Thành Sơn và Biên Hòa. Thành Sơn là sân bay quân sự cấp 1, nằm ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Với định hướng đến năm 2030, sản lượng khách du lịch đến tỉnh Ninh Thuận đạt khoảng 6 triệu, khu vực này có tiềm năng phát triển vận tải hàng không. Sân bay Biên Hòa nằm tại phường Tân Phong, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực có cơ sở hạ tầng phát triển và thuộc vùng kinh tế năng động nhất Việt Nam nên nhu cầu vận tải hàng không rất lớn.

Nhiều tỉnh thành đề xuất muốn có sân bay.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không - Đại học Bách khoa TP.HCM, những người dân sống ở khu vực xa trung tâm ít cơ hội tiếp cận với phương tiện hiện đại như hàng không đang là một điểm hạn chế. Hiện tại theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đều là sân bay lớn, thiếu hệ thống sân bay nhỏ.

Về tiêu chí để lựa chọn xây dựng sân bay, Bộ GTVT nêu ra 6 tiêu chí chính (22 tiêu chí chi tiết) để xem xét tính khả thi cho một sân bay, gồm: (1) nhu cầu sản lượng; (2) tình hình kinh tế xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); (3) an ninh quốc phòng; (4) khẩn nguy cứu trợ; (5) điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai); (6) cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tiếp cận các sân bay lân cận).

Theo các tiêu chí này, kiến nghị bổ sung quy hoạch sân bay của 11 địa phương thời gian qua đã không được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, gồm có 5 tỉnh miền Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình), 5 tỉnh miền Trung (Đắk Nông, Bình Phước, Kon Tum, Hà Tĩnh, Ninh Thuận) và 1 tỉnh miền Nam (Trà Vinh).

Nên xây sân bay nhỏ cho tỉnh xa

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, việc xây dựng sân bay tại các tỉnh xa xôi, ít khách thì nên xây dựng sân bay nhỏ, chứ không nên xây dựng sân bay to, gây lãng phí. PGS. Tống cho biết, dòng máy bay nhỏ từ 19 chỗ trở xuống chỉ cần phi công chứ không cần tiếp viên, đường băng cũng chỉ cần từ 1.200m là có thể cất cánh. Dòng máy bay này rất thuận tiện để đi từ Hà Nội tới các địa phương xa xôi như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên,...

Việc mở đường bay từ các địa phương này đến Hà Nội phục vụ nhu cầu về y tế, cấp cứu hay phục vụ doanh nhân và cán bộ đi công tác, họp hành. Thay vì mất từ 6-8 tiếng đi đường bộ như hiện nay, việc mở đường bay sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian cũng như mở ra cơ hội phát triển về du lịch hay đơn giản là để người dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ hiện đại hơn tại các địa phương này.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, cần phải xây dựng quy hoạch mạng lưới sân bay trên cả nước một cách hợp lý, có cơ sở khoa học, có lý luận và quan trọng nhất phải đưa ra những định lượng rõ ràng về năng suất sân bay, nhu cầu thật hay ảo, chứ không thể cứ mơ hồ rồi đề xuất. Tránh trường hợp lợi dụng, lấy danh nghĩa làm sân bay để quy hoạch đất đai, sân bay chỉ là cái cớ để lạm dụng. Do vậy, cần đề phòng nạn tham nhũng đất đai nhân danh xây sân bay.

Ông Tống cho rằng, một địa phương được đầu tư xây dựng sân bay thì phải đáp ứng những tiêu chí nhất định, chứ nơi nào cũng báo cáo có nhu cầu cấp thiết xây sân bay để phát triển kinh tế, nhưng toàn là cảm tính. Nếu không tính toán kỹ có thể khiến sân bay đó nằm trên quy hoạch, chậm triển khai, đội vốn kéo theo đó là nhiều diện tích đất bị thu hồi rồi bỏ hoang hóa gây lãng phí nguồn lực.

Việc đầu tư sân bay mới phải dựa trên hai yếu tố: nhu cầu hành khách và bài toán tài chính. Ví dụ, sân bay Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đang phục vụ cho cả người dân Quảng Trị; nếu xây sân bay Quảng Trị trong khi cư dân địa phương không đông, khách du lịch không nhiều thì chắc chắn lỗ, lượng khách đến sân bay Đồng Hới, Phú Bài cũng giảm.

Ở góc độ kinh tế, một chuyên gia hàng không cho rằng, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng sân bay không đơn giản vì nguồn vốn lớn, từ 2.000 đến 4.000 tỷ đồng với sân bay công suất dưới 2 triệu hành khách mỗi năm, trong khi đó nguồn thu từ phí không lớn. Nếu sân bay phục vụ 2 triệu khách, nhà đầu tư mới thu được khoảng 200-250 tỷ đồng mỗi năm, tính cả chi phí khấu hao và vận hành thì phải qua hàng chục năm mới thu hồi được vốn

Hiện Việt Nam có 22 sân bay, trong đó 10 sân quốc tế. Cuối năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc, giai đoạn 2021-2030 có 28 cảng bao gồm: 14 cảng quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-de-phong-nan-tham-nhung-dat-dai-nhan-danh-xay-san-bay-169230227153209429.htm