Cần điều chỉnh lại cách đặt hàng xuất bản phẩm

Đặt hàng xuất bản phẩm là một chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các nhà xuất bản (NXB) và các tác giả đã được triển khai từ lâu. Khi kinh phí không phải là mối lo hàng đầu thì trở ngại lại nằm ở khâu thực hiện bởi còn một số bất cập khiến hiệu quả của chính sách trong thực tế chưa được như mong muốn.

Khoản b và c, Điều 7, Luật Xuất bản năm 2012 nêu rõ chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản là: Đặt hàng để có bản thảo và xuất bản tác phẩm, tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số…; ngoài ra còn mua bản thảo đối với những tác phẩm có giá trị nhưng thời điểm xuất bản chưa thích hợp hoặc đối tượng sử dụng hạn chế, hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Ngay từ Luật Xuất bản đầu tiên năm 2004 đã có những điều luật đề cập đến chính sách đặt hàng, mua bản thảo, hỗ trợ tác giả uy tín… Đến nay, đã có hàng nghìn đầu sách với hàng triệu trang in được Nhà nước đặt hàng, có hai tác dụng được ghi nhận, đó là: Giúp đỡ các NXB và các tác giả có thêm tài lực để in ấn những đầu sách giá trị; bổ sung nguồn sách cho độc giả chưa có nhiều điều kiện hưởng thụ sách”.

Các bộ, chiến sĩ điểm đảo Đá Lớn B (Quần đảo Trường Sa) tìm đọc sách đặt hàng tại thư viện.

Thực tế trong nhiều năm qua, Chính phủ, nhiều bộ, ban, ngành, địa phương đã cụ thể hóa chính sách bằng những việc làm hỗ trợ. Hàng năm, Chính phủ thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông đặt hàng 200 đầu sách phân bổ cho một số cơ quan chủ quản và NXB tự lựa chọn các giả và đầu sách cần in ấn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên cấp kinh phí mua bản thảo cho các tác giả, chẳng hạn tiểu thuyết có định mức 120 triệu đồng, tác giả chỉ còn quyền đứng tên, sử dụng như thế nào thuộc quyền của bộ. Vì kinh phí nhiều địa phương hạn chế, đặt hàng xuất bản phẩm thực tế chỉ được quan tâm khi gắn với sự kiện chính trị-xã hội chứ không được các địa phương thường xuyên duy trì. Điều này khiến các NXB vẫn phải tự thân vận động là chính.

Một cách làm khác đang được các cơ quan chủ quản và NXB tiến hành là lập dự án xuất bản để Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện. Nhà văn Đỗ Hàn, Phó giám đốc NXB Hội Nhà văn, cho biết: “Chính sách đặt hàng xuất bản phẩm của Nhà nước rất đáng quý, cần tiếp tục duy trì lâu dài. Song thẳng thắn nhìn nhận thì nguồn kinh phí đặt hàng là không đủ để các NXB tạo sức bật trong phát triển. Cách làm của NXB Hội Nhà văn đã và đang thực hiện đó là lập các dự án sách, như: Bộ sách “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”, bộ sách tác phẩm của nhà văn được tặng Giải thưởng Nhà nước… Qua sự thẩm định, tư vấn nội dung của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện, dự án sách sẽ được phê duyệt, cấp kinh phí thực hiện. Các bộ sách nói trên không bán ngoài thị trường, dùng để cấp phát cho các thư viện tỉnh, thành phố, các trường đại học, các đơn vị quân đội từ cấp trung đoàn trở lên”.

Tìm hiểu của chúng tôi, những dự án sách trên có tổng kinh phí ít nhất vào khoảng 10 tỷ đồng, đặc biệt dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam được giao làm đầu mối thực hiện gồm hai giai đoạn (từ năm 2008 đến 2017) xuất bản hơn 2.500 tác phẩm có tổng kinh phí 240 tỷ đồng. Tuy nhiên, nội dung và hình thức của nhiều tác phẩm trong “dự án trăm tỷ” công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam đầy lỗi bản thảo, bị cắt xén nội dung… khiến các nhà chuyên môn và bạn đọc bức xúc. Thiếu kiểm tra, giám sát, vội vã nghiệm thu những cuốn sách kém chất lượng đã làm lãng phí ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng không tốt đến việc truyền bá tri thức, văn hóa. Đó là chưa kể một lượng sách không nhỏ được bày bán công khai ngoài thị trường trong khi theo quy định sách chỉ được cấp phát.

Việc đặt hàng xuất bản phẩm hiện nay chất lượng chưa cao, khi có kinh phí đầu tư lại hết sức dàn trải, chạy theo số lượng. Chẳng hạn, lẽ ra nên đầu tư kinh phí tập trung để làm một bộ sách lịch sử văn học Việt Nam hiện đại được sự đồng thuận cao nhất của giới nghiên cứu văn học, hiện nay kinh phí lại bị xẻ ra giao cho nhiều đơn vị đầu mối biên soạn. Đại tá Kiều Bách Tuấn, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Quân đội nhân dân, cho rằng: “Cần thay đổi cách thức sách đặt hàng, cần có một cơ quan Nhà nước làm “tổng chỉ huy”, điều phối kinh phí, chủ đề đầu sách, chỉ định biên tập và xuất bản ở NXB để có sự thống nhất, tránh sự chồng chéo”.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BTTTT hướng dẫn thực hiện đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-7-2018. Dù vẫn phân chia ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để đặt hàng xuất bản phẩm, giao nhiều quyền cho cơ quan chủ quản và NXB về mặt nội dung, song thông tư đã quy định rõ quy cách xuất bản phẩm đặt hàng, phương thức thực hiện, trách nhiệm của cơ quan chủ quản và NXB… Đây được xem là bước đầu để thay đổi đặt hàng xuất bản phẩm trở nên chuẩn hóa, chuyên nghiệp, phát huy tối đa hiệu quả một chính sách thiết thực để ngành xuất bản Việt Nam ngày càng phát triển, phục vụ tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-dieu-chinh-lai-cach-dat-hang-xuat-ban-pham-547600