Cần điều tra đất, nguồn nước ở gia đình có 2 trẻ tử vong do nhiễm khuẩn whitmore

Liên quan đến vụ việc 3 trẻ trong một gia đình tử vong trong vòng vài tháng, trong đó hai trường hợp được xác định là do nhiễm khuẩn Whitmore, ngày 19/11, PGS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ, cho biết, trước đó BV đã điều trị cho các bệnh nhi trên.

Theo bác sĩ Trần Minh Điển, trong 3 trường hợp trên, có hai trường hợp tử vong chỉ cách nhau chừng nửa tháng. Còn một trường hợp tử vong cách đây hơn 6 tháng. Vì vậy, sau khi sự việc xảy ra, các bác sĩ đã phải về tận nhà bệnh nhi để điều tra dịch tễ.

Theo đó, Đoàn y bác sĩ của BV và Sở Y tế Hà Nội xem xét đặc tính của những người trong gia đình bệnh nhi, kiểm tra các bé có bị suy giảm miễn dịch hay không. Tuy nhiên kết quả kiểm tra miễn dịch thể, dịch tế bào, kể cả các chức năng bạch cầu của các bé đều có đáp ứng miễn dịch bình thường.

Vi khuẩn whitmore có trong đất, nước trước khi xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở

Vi khuẩn whitmore có trong đất, nước trước khi xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở

Nhiều người đặt câu hỏi, có hay không việc lây chéo giữa hai bệnh nhi, hoặc nguồn đất, nước của khu vực nhà bệnh nhân có nhiễm khuẩn whitmore hay không, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết Đoàn kiểm tra cũng đặt vấn đề cần kiểm tra, xem xét thói quen sinh hoạt trong gia đình bệnh nhân, như cách thức ăn uống, tắm giặt… và cả nguồn nước dùng hằng ngày. Bởi cũng không loại trừ khả năng vi khuẩn Whitmore có trong khu vực của gia đình bệnh nhân.

Còn theo PGS.TS Bùi Khắc Hậu, nguyên Trưởng Khoa Nội tổng hợp (BV Đại học Y Hà Nội), vi khuẩn whitmore là loại vi khuẩn âm, thường sống trong những môi trường ẩm ướt, có sức đề kháng rất tốt.

Đặc biệt, vi khuẩn này có khả năng kháng lại nhiều thuốc kháng sinh. Do đó, nếu mắc bệnh việc điều trị sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Thường phải mất nhiều thời gian và dùng kháng sinh liều cao mới có hiệu quả. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, xây xước hoặc do tai nạn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây lan qua đường hô hấp, từ khí bụi, hơi nước có vi khuẩn whitmore.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào về việc lây truyền bệnh giữa người với người hoặc lây truyền bệnh từ động vật sang người qua đường không khí. Vì vậy, bệnh thường xảy ra lác đác, lẻ tẻ, không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch lớn.

Trước đó, như PNVN đã thông tin, bệnh nhi T.Q.H. (2 tuổi, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã tử vong ngày 16/11 do nhiễm vi khuẩn Whitmore. Cách đó hơn nửa tháng, anh trai của bệnh nhi là T.C.V. (sinh 2014) cũng đã tử vong do nhiễm vi khuẩn Whitmore.

Tháng 4/2019, chị gái của hai bé là T.Q.T. (sinh năm 2012) đã mất do nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột.

Sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế Hà Nội đã cử đoàn công tác xác minh, điều tra dịch tễ học tại khu vực nhà các bệnh nhi. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy không có gì bất thường.

Linh Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/can-dieu-tra-dat-nguon-nuoc-o-gia-dinh-co-2-tre-tu-vong-do-nhiem-khuan-whitmore-post67110.html