Cần định nghĩa chính xác về các văn bằng

Góp ý vào 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học; PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội – cho rằng: Cần có định nghĩa chính xác về các văn bằng (diplome) và học vị (degree). Học vị (degree) cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ là gắn với trình độ và bậc đào tạo, có được học vị là do đào tạo, năng lực của mỗi người ứng với bậc đào tạo.

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

Văn bằng chỉ là giấy chứng nhận

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, Điều 43 Luật Giáo dục 2005 có nêu: Bằng tốt nghiệp đại học của ngành kỹ thuật gọi là kỹ sư, của ngành kiến trúc gọi là kiến trúc sư, của ngành y, dược gọi là bác sĩ, dược sĩ, của ngành khoa học cơ bản, kinh tế là cử nhân; đối với các ngành còn lại là bằng tốt nghiệp đại học.

PGS.TS Trần Văn Tớp – cho rằng, cần có định nghĩa chính xác về các văn bằng (diplome) và học vị (degree). Học vị (degree) cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ là gắn với trình độ và bậc đào tạo, có được học vị là do đào tạo, năng lực của mỗi người ứng với bậc đào tạo. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được cơ sở giáo dục đại học công nhận học vị và cấp bằng tương ứng.

PGS.TS Trần Văn Tớp - đề xuất: Thay cụm từ “có bằng” bằng cụm từ “tốt nghiệp” hoặc “có học vị” trong toàn bộ Luật. Người tốt nghiệp trình độ nào thì được công nhận “học vị” tương ứng và được cấp văn bằng tốt nghiệp ở trình độ đó (văn bằng chỉ là tờ giấy chứng nhận).

“Văn bằng (diplome) chỉ là giấy chứng nhận (certificate) giống như chứng minh thư nhân dân xác nhận tôi là tôi. Người tốt nghiệp trình độ đại học được công nhận học vị cử nhân và được cấp bằng cử nhân, học vị thạc sĩ (bằng thạc sĩ), học vị tiến sĩ (bằng tiến sĩ)” - PGS.TS Trần Văn Tớp chia sẻ, đồng thời:

Đề nghị thay tên gọi “bằng đại học” bằng “bằng cử nhân”, để nhất quán với “bằng thạc sĩ”, “bằng tiến sĩ” và phù hợp với thông lệ quốc tế. Mà là chứng nhận thì có thể cấp lại nếu vì lý do đặc biệt nào đó, ví dụ như hỏa hoạn.

PGS.TS Trần Văn Tớp: Đề nghị thay tên gọi “bằng đại học” bằng “bằng cử nhân”

Quy định rõ chức danh nghề nghiệp

Đối với các chức danh nghề nghiệp, PGS.TS Trần Văn Tớp – nêu quan điểm: Chức danh nghề nghiệp luật sư là cử nhân luật sau thời gian hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng, tố tụng được do Hội Luật sư công nhận là Luật sư;

Còn kiến trúc sư là cử nhân kiến trúc sau thời gian hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc được công nhật là kiến trúc sư; Bác sĩ là cử nhân y sau thời gian hoạt động trong lĩnh vực y tế hoặc chuyên khoa, qua đào tạo chuyên khoa được công nhận/cấp bằng bác sĩ.

Kỹ sư là cử nhân kỹ thuật, cử nhân công nghệ sau thời gian hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp do Hội kỹ sư công nhận là kỹ sư hoặc qua đào tạo chuyên sâu được cấp nằng kỹ sư.

PGS.TS Trần Văn Tớp – cho biết: Hầu hết các nước châu Âu đã và đang bỏ đào tạo cấp bằng kỹ sư, chỉ còn đào tạo và cấp bằng cử nhân (3 năm) – Thạc sĩ (5 năm) – Tiến sĩ (8 năm). Pháp vẫn giữ đào tạo và cấp bằng kỹ sư 5 năm trong các trường lớn và được xem là tinh hoa nhưng có nghịch lý kỹ sư (Elite) – 5 năm là gì và đi đến 1 sự tréo ngoe là người tốt nghiệp kỹ sư được công nhận tương đương thạc sĩ.

Như vậy nước Pháp, coi đào tạo và cấp bằng kỹ sư là trình độ bậc sau đại học. Những người tốt nghiệp kỹ sư của Liên Xô trước đây cũng đã có thời gian được “cấp” chứng nhận thạc sĩ.

Do đó, PGS.TS Trần Văn Tớp kiến nghị sửa đổi Điều 43 của Luật Giáo dục cho phù hợp với xu thế và người tốt nghiệp các chương trình đào tạo kỹ sư (5 năm) thuộc bậc sau đại học giống như các nước.

Nên quy định thời gian đào tạo trình độ đại học là 4 năm, nhưng đến 6 năm là dài và bất hợp lý

Nên quy định thời gian đào tạo trình độ đại học là 4 năm

Về thời gian đào tạo đại học, PGS.TS Trần Văn Tớp – cho rằng:Điều 35 về Thời gian đào tạo Luật GD đại học - Quy định thời gian đào tạo trình độ đại học từ ba đến 6 năm là bất hợp lý bất hợp lý.

Thời gian đào tạo đại học theo chương trình chuẩn nên quy định là 4 năm. Một số nước hiện nay như Anh, Pháp và 1 số nước châu Âu có CTĐT đại học 3 năm (tương đương 180 tín chỉ châu Âu – ECTS).

Tuy nhiên ở nước ở Anh thì đầu vào của họ đã là Level A hoặc IB được coi là tương đương với 1 năm dự bị đại học. Ở Mỹ, Nga hiện nay đào tạo đại học cũng 4 năm.

Ở Việt Nam, các môn khoa học xã hội tại các trường kỹ thuật, công nghệ đã 12 tín chỉ, hiếm gần hết 1 học kỳ. “Nếu đào tạo đại học 3 năm, tôi e rằng sẽ khó đạt được mục tiêu đào tạo và chuyên môn trong 2,5 năm còn lại.

Vì vậy nên quy định thời gian đào tạo trình độ đại học là 4 năm, nhưng đến 6 năm là dài và bất hợp lý. Nếu các trường đào tạo đại học 4 năm tập trung, cộng với 1 đến 2 năm thạc sĩ thì cũng mới đến 6 năm” - PGS.TS Trần Văn Tớp trao đổi.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Tớp, hiện nay, có xu hướng rút ngắn thời gian đào tạo. Đặc biệt có thông tin là các trường cao đẳng đào tạo trình độ cao đẳng, cấp bằng cao đẳng nhưng lại có danh hiệu cử nhân công nghệ và kỹ sư thực hành, làm cho giáo dục đại học trong đó có cao đẳng càng trở nên rối.

“Bác sĩ đa khoa 6 năm, luật sư là trình độ đại học, kỹ sư ... coi là một trình độ chuyên nghiệp (professional degree). Đào tạo kỹ sư (5 năm) hoặc bác sĩ (6 năm) tại một số trường như hiện nay nên xếp vào bậc sau đại học và cũng phù hợp với khung trình độ quốc gia mới ban hành.

Người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên nghiệp như: bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ,… từ 5 năm trở lên được coi là đào tạo bậc sau đại học và có thể công nhận đạt trình độ tương đương thạc sĩ” - PGS.TS Trần Văn Tớp.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/can-dinh-nghia-chinh-xac-ve-cac-van-bang-3910046-v.html