Cần đổi mới cách thức tuyển chọn, đào tạo quân nhạc

Sự nghiêm trang, chuẩn mực của bộ đội danh dự hòa quyện vào vẻ đẹp hùng tráng, oai phong của bộ đội quân nhạc trong các hoạt động nghi lễ trọng đại trở thành biểu tượng văn hóa của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Để đáp ứng nhân lực thực hiện nhiệm vụ nghi lễ phục vụ Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đòi hỏi công tác đào tạo chỉ huy dàn nhạc quân nhạc và nhạc công quân nhạc cần phải có cách thức tuyển chọn, học tập và bồi dưỡng phù hợp.

Khoa Quân nhạc, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Quân đội là cơ sở duy nhất đào tạo chỉ huy dàn nhạc quân nhạc, nhạc công quân nhạc cho quân đội, công an và hai nước bạn Lào, Campuchia. Trở thành một khoa trực thuộc Trường Đại học VHNT Quân đội từ năm 1995 nhưng đến năm 2012 mới mở mã ngành và bắt đầu đào tạo bậc đại học cho chỉ huy và nhạc công quân nhạc. Qua 6 năm, Khoa Quân nhạc đã đào tạo 185 học viên trình độ trung cấp và đại học (trong đó có 4 chỉ huy dàn nhạc quân nhạc); các học viên sau khi ra trường về đơn vị công tác đều đáp ứng tốt chuyên môn. Trong dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP Hồ Chí Minh, các đội quân nhạc Quân khu 7, Quân đoàn 4, Trường Sĩ quan Lục quân 2… đã biểu diễn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Giờ học của các học viên Khoa Quân nhạc, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Ảnh: NGUYỄN THẮNG.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, chất lượng tuyển sinh quân nhạc vẫn tồn tại bất cập bởi thực hiện theo chế độ cử tuyển. Học viên đa phần đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự (từ 20 tuổi trở lên), có phẩm chất chính trị tốt, nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội, có quân dung đạt yêu cầu thẩm mỹ, sức khỏe tốt... thì được các đơn vị cơ sở đề xuất gửi Trường Đại học VHNT Quân đội đào tạo. Với đặc thù là đào tạo nghệ thuật đòi hỏi phải có năng khiếu và được tiếp xúc sớm nhưng học viên đi học quân nhạc đa phần đã ở tuổi trưởng thành nên sự tiếp thu và rèn luyện kỹ năng về âm nhạc có những hạn chế nhất định. Do đó, trong quá trình đào tạo, những học viên có năng khiếu thì sẽ nhiều thuận lợi hơn, còn học viên năng khiếu hạn chế tạo ra khó khăn cho cả việc dạy và học. Đại tá, nhạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân đội, cho biết: “Bên cạnh chế độ cử tuyển, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để nhà trường tuyển những tài năng âm nhạc từ bên ngoài, đào tạo từ năm 14 tuổi mới bảo đảm chất lượng. Đào tạo quân nhạc từ trung cấp lên đến đại học mất 8 năm, nếu như bây giờ chỉ đào tạo cử tuyển thì sớm nhất 28 tuổi mới tốt nghiệp là quá chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp về sau của các nhạc công”.

Vướng mắc hiện nay là toàn quân có 15 đơn vị quân nhạc ở cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, nhà trường, đội quân nhạc có tổ chức biên chế cứng nên không có tính linh động trong lập kế hoạch gửi đào tạo. Cách đây 5 năm, Trường Đại học VHNT Quân đội đã không có chỉ tiêu tuyển sinh cho đào tạo trung cấp làm nguồn nhân lực kế cận, công tác đào tạo hiện nay chủ yếu đào tạo bậc đại học. Tuy nhiên, công tác đào tạo đại học cũng nhiều bất cập, một khóa học hiện nay biên chế không đủ một dàn nhạc (khoảng 15 đến 18 học viên). Theo biên chế dàn nhạc đủ (thường khoảng 30-45 hay với các nhạc công có kinh nghiệm thì cần tối thiểu 25 trong đó đầy đủ bè, bộ) thì giáo trình, tài liệu cho học tập dàn nhạc, đội ngũ rất thuận lợi. Tuy nhiên, với biên chế thiếu như hiện nay thì giáo trình luôn phải chỉnh sửa, bè này thay thế bè khác, phần hòa âm phối khó phù hợp, hòa thanh không đủ; môn đội ngũ nghi lễ thiếu vị trí… dẫn đến việc gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy môn hòa tấu dàn nhạc, hòa tấu thính phòng, đội ngũ nghi lễ.

Trừ Đoàn Nghi lễ Quân đội (Bộ Tổng Tham mưu) là đơn vị nghi lễ chính của Nhà nước; ngoài một vài đội nhạc các quân khu, trường sĩ quan duy trì tốt hoạt động chuyên môn thì với biên chế như hiện nay chưa đến 20 nhạc công, đội quân nhạc ở không ít đơn vị chỉ đi biểu diễn, phục vụ khoảng 15-20 lần/năm, rất ít khi đội quân nhạc đi biểu diễn phục vụ tại địa phương và các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn đóng quân. Từ chỗ học xong thực hành ít, chuyên môn bị mai một nên công tác bồi dưỡng, tập huấn rất quan trọng. Đoàn Nghi lễ Quân đội vừa được Bộ Tổng Tham mưu giao chủ trì tập huấn quân nhạc toàn quân năm 2018, nhưng thực tế việc tập huấn quân nhạc toàn quân thường vài ba năm mới tổ chức nên hiệu quả nâng cao chuyên môn cho nhạc công, chỉ huy còn hạn chế. Đại tá Nguyễn Nam Thắng, Trưởng Khoa Quân nhạc, Trường Đại học VHNT Quân đội, cho rằng: “Bồi dưỡng tập huấn quân nhạc nên tổ chức từ 1 đến 2 năm/lần. Các đội quân nhạc cần chủ động sắp xếp thời gian, nhân lực, tạo điều kiện cho các nhạc công đi học nâng cao chuyên môn. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng chỉ huy dàn nhạc cần được chú trọng hơn bởi vị trí này là “xương sống” của dàn nhạc. Chỉ huy giỏi mới có khả năng hướng dẫn nhạc công cách chơi nhạc, biểu diễn hiệu quả và thực hiện nghi lễ chuẩn mực”.

Về xu hướng đào tạo quân nhạc trong thời gian tới, Đại tá, nhạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Thủy cho biết: “Nhà trường mong muốn được cấp trên tạo điều kiện cử học viên và giảng viên đào tạo, giao lưu nước ngoài để rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn. Mặt khác, trường sẽ chủ động giảng dạy để dàn quân nhạc còn biểu diễn phục vụ hòa nhạc, phục vụ nhân dân các tác phẩm giao hưởng thính phòng”.

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/can-doi-moi-cach-thuc-tuyen-chon-dao-tao-quan-nhac-555008