Cần đổi mới nhận thức và củng cố, kiện toàn thường xuyên

100% xã, phường, thị trấn của tỉnh Gia Lai đều có chi bộ quân sự (CBQS). Đáng mừng hơn là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các CBQS không ngừng được nâng lên, góp phần quan trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tỉnh Gia Lai nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có 90km đường biên giới giáp với tỉnh Rattanakiri (Campuchia); đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23%, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn có thời điểm diễn biến phức tạp, nhất là các vấn đề về dân tộc, tôn giáo. Vì vậy, CBQS xã, phường, thị trấn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc góp phần lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân từ cơ sở.

 Đảng viên Chi bộ quân sự xã Ia Nan (Đức Cơ, Gia Lai) tuyên truyền, vận động thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

Đảng viên Chi bộ quân sự xã Ia Nan (Đức Cơ, Gia Lai) tuyên truyền, vận động thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

Khảo sát thực tế hoạt động của CBQS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, chúng tôi ghi nhận những kết quả tích cực trong củng cố, kiện toàn chi ủy, chi bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt, tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, công tác phát triển đảng viên…, đặc biệt là sau khi có Hướng dẫn số 35-HD/BTCTW ngày 15-10-2009 của Ban Tổ chức Trung ương về tổ chức hoạt động của CBQS. Trong 222 CBQS thì có đến 198 chi bộ có chi ủy (chiếm 89,19%). Bình quân hằng năm có 97,03% chi bộ và 96,6% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Từ năm 2009 đến nay, các chi bộ đã bồi dưỡng kết nạp 3.437 đảng viên trong lực lượng quân quân tự vệ và lãnh đạo chi đoàn quân sự kết nạp 19.838 đoàn viên mới, nâng tỷ lệ đoàn viên trong dân quân lên 72,21%.

Theo đồng chí Đỗ Thị Minh Loan, Bí thư Đảng ủy, Bí thư CBQS xã Đăk Yă (Mang Yang), nhiều năm qua, địa phương luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Giao quân hằng năm đạt 100% chỉ tiêu; xây dựng lực lượng dân quân tin cậy về chính trị, sẵn sàng chiến đấu cao; quản lý lực lượng dự bị động viên chặt chẽ. Lực lượng quân sự thường xuyên phối hợp với công an giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tham gia hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, góp phần để Đăk Yă trở thành xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Mang Yang. Kết quả đó có được là nhờ sự lãnh đạo, tham mưu đúng, kịp thời của CBQS cho Đảng ủy, UBND xã.

Đồng chí Y Mưn, Bí thư Đảng ủy, Bí thư CBQS xã A Dơk (huyện Đăk Đoa) khẳng định: "CBQS xã đã giúp Đảng ủy, UBND xã A Dơk lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Nhất là trong nắm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh ảnh hưởng đến an ninh chính trị, thế trận quốc phòng toàn dân".

Tuy nhiên, hoạt động của CBQS trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn, nhất là chất lượng sinh hoạt ra nghị quyết lãnh đạo, sinh hoạt chuyên đề, học tập và kiểm tra, giám sát ở một số chi bộ chưa cao; lúng túng trong xây dựng và thực hiện quy chế làm việc và công tác phát triển đảng viên... Nguyên nhân được xác định là nhận thức của một số lãnh đạo xã về CBQS chưa đầy đủ. Còn có biểu hiện giao khoán nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của CBQS cho cán bộ ban chỉ huy quân sự. Trình độ năng lực của cán bộ, đảng viên làm công tác quân sự ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế…

Đại tá Nguyễn Hồng Xuân, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, khẳng định: "CBQS là mô hình thiết thực, đã được kiểm nghiệm tính hiệu quả trên thực tế. Phát huy vai trò của CBQS không gì khác ngoài nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy quân sự các cấp. Thực tế chứng minh ở đâu đồng chí bí thư đảng ủy xã kiêm bí thư CBQS có nhận thức tốt về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương thì ở đó CBQS hoạt động hiệu quả và ngược lại. Còn theo đồng chí Hồ Văn Niên, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, CBQS cũng giống như các chi bộ khác trong hệ thống tổ chức đảng cần phải được lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố, kiện toàn thường xuyên. Trong đó, phải tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt, đổi mới việc ra nghị quyết theo hướng cụ thể, sát thực; đề cao tính đấu tranh tự phê bình và phê bình. Gắn hoạt động lãnh đạo của CBQS vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí. Tăng cường lãnh đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của chi đoàn quân sự, phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên trong xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/can-doi-moi-nhan-thuc-va-cung-co-kien-toan-thuong-xuyen-599740