Cần đối thoại thay cho đối đầu

Mọi nỗ lực của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm tìm kiếm hòa bình cho Li-bi dường như đã trở về vạch xuất phát khi xung đột bùng phát dữ dội ở quốc gia Bắc Phi này. Hơn tám năm sau 'Mùa xuân A-rập', đến nay Li-bi vẫn chìm trong chia rẽ, khủng hoảng và một lần nữa có nguy cơ bị cuốn vào cuộc nội chiến đẫm máu, đe dọa an ninh khu vực.

Bình luận quốc tế

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo M.Ca-đa-phi, Li-bi chưa ngày nào ngưng tiếng súng. Quốc gia này rơi vào tình trạng bị chia rẽ chính trị và tồn tại hai chính quyền, với các lực lượng vũ trang riêng. Mặc dù Chính phủ Ðoàn kết dân tộc Li-bi (GNA) đã được thành lập và được LHQ hậu thuẫn, song thế và lực của GNA chưa đủ mạnh để duy trì kiểm soát an ninh trên toàn đất nước. Lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia (LNA) trung thành với tướng Kh.Háp-ta ủng hộ một chính quyền khác, "hùng cứ" ở miền đông. Li-bi bị phân cực với hai chính quyền có hai lực lượng riêng, trong khi nhiều nhóm vũ trang khác vẫn hoạt động nhỏ lẻ ở các khu vực. Bị chia rẽ, Li-bi trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho các tổ chức khủng bố, cực đoan hoạt động và sự buông lỏng quản lý cũng khiến quốc gia Bắc Phi này trở thành một "điểm dừng chân quá cảnh" của các chuyến tàu đưa người di cư bất hợp pháp vượt Ðịa Trung Hải sang châu Âu.

Những nỗ lực của LHQ trong lộ trình tìm kiếm hòa bình cho Li-bi vốn đã quá chật vật, nay có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn. Tình hình tại Li-bi leo thang nguy hiểm sau khi tướng Háp-ta phát động chiến dịch tiến công nhằm kiểm soát thủ đô Tơ-ri-pô-li, trong đó có sân bay duy nhất hiện còn hoạt động tại đây. Cuộc tiến công của tướng Háp-ta có thể khiến Li-bi rơi vào vòng xoáy bạo lực mới, thậm chí có thể là kịch bản tồi tệ nhất kể từ sau khi bùng nổ cuộc nội chiến năm 2011.

Lực lượng của GNA cáo buộc tướng Háp-ta "phản bội", đồng thời cam kết đáp trả bằng "mọi nỗ lực". Nguy cơ xung đột gia tăng sau khi Thủ tướng của chính phủ được quốc tế công nhận ở Li-bi đưa ra cảnh báo đây là "một cuộc chiến không có người chiến thắng". Bạo lực những ngày qua đã khiến gần 50 người chết, hàng trăm người bị thương, hàng nghìn người mất nhà ở và có nguy cơ bị rơi vào thảm họa nhân đạo tồi tệ khi các nguồn cung cấp dịch vụ y tế cạn kiệt.

Trước những diễn biến đặc biệt nghiêm trọng ở Li-bi, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả bi thảm, đồng thời kêu gọi các bên ngừng bắn, ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, thực tế, các bên xung đột ở Li-bi đều có sự hậu thuẫn của các quốc gia bên ngoài, xuất phát từ những toan tính lợi ích riêng, vì thế, việc đối thoại để giải quyết vấn đề sẽ rất khó khăn và phức tạp. Ðó cũng là lý do từ nhiều năm nay, các bên xung đột ở Li-bi chưa thể đạt được đồng thuận trong việc chia sẻ lợi ích để tiến tới một thỏa thuận hòa bình. Trước tình hình hiện nay, Liên minh châu Phi (AU) nhắc lại sự cần thiết của một tiến trình do chính Li-bi thực hiện và tạo ra một chế độ chính trị mới ở đất nước Bắc Phi đang bị chiến tranh tàn phá.

Giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Li-bi được LHQ ủng hộ bao gồm việc tổ chức một hội nghị đối thoại toàn quốc và sau đó là tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, diễn biến tình hình hiện nay ở Li-bi đang đặt kế hoạch hòa bình do LHQ bảo trợ vào trạng thái mong manh. Mặc dù Ðặc phái viên LHQ về Li-bi G.Xa-la-mê khẳng định Hội nghị dân tộc Li-bi vẫn sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch từ ngày 14-4 tới, song thực tế xung đột cản trở các nỗ lực tổ chức đối thoại hòa bình. Nguy cơ bất ổn ở Li-bi khiến các nước láng giềng trong khu vực phải tăng cường lực lượng nhằm kiểm soát biên giới, ngăn chặn "lửa bạo lực" từ Li-bi có thể cháy lan.

Sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái chính trị ở một quốc gia có nhiều bộ tộc là một trong những vấn đề mấu chốt dẫn đến tình trạng kích động bạo lực, đối đầu ở Li-bi. Mặc dù LHQ đã nỗ lực đưa các bên xung đột ngồi vào bàn đàm phán, song những mâu thuẫn lợi ích khiến tình hình ngày càng phức tạp và hỗn loạn. Một chính phủ đoàn kết dân tộc đã được thành lập, song Li-bi vẫn bị cuốn vào vòng xoáy xung đột và hòa bình vẫn chỉ là ước vọng xa vời.

Bảo Anh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/39816802-can-doi-thoai-thay-cho-doi-dau.html