Cần đơn giản thủ tục xin con nuôi

Mong muốn xin con nuôi là nhu cầu chính đáng của nhiều cặp vợ chồng không may mắn về đường con cái. Pháp luật Việt Nam cũng công nhận việc cho và nhận con nuôi. Thế nhưng quy trình, thủ tục cho và nhận con nuôi hiện còn khá phức tạp, khiến không ít người nản lòng, bỏ cuộc...

Trẻ bị bỏ rơi được chăm sóc tốt ở Trung tâm Công tác xã hội, nhưng nếu được sống trong một gia đình có tình yêu thương, các bé sẽ có sự phát triển tốt hơn về mọi mặt, nhất là tinh thần. Ảnh minh họa: Phương Liễu

Trẻ bị bỏ rơi được chăm sóc tốt ở Trung tâm Công tác xã hội, nhưng nếu được sống trong một gia đình có tình yêu thương, các bé sẽ có sự phát triển tốt hơn về mọi mặt, nhất là tinh thần. Ảnh minh họa: Phương Liễu

* Cho và nhận con nuôi: Thủ tục còn phức tạp

Gần 10 năm chạy chữa vô sinh khắp nơi, với đủ các loại thuốc Đông - Tây y... nhưng chị N.T.T. (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) vẫn chưa có con. Tiền cạn mà cơ may có con mỗi ngày một mong manh, nên vợ chồng chị T. đã quyết định xin con nuôi. Đầu năm 2021, nghe người quen nói mới có một bé sơ sinh bị bỏ rơi tại một bệnh viện trong tỉnh sau khi sinh, vợ chồng chị hối hả đến xin bé về nuôi, nhưng không được bệnh viện chấp thuận vì theo quy trình, bệnh viện phải chuyển bé sơ sinh đến trại nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người muốn xin con nuôi phải liên hệ nơi này làm thủ tục nên mất khá nhiều thời gian.

Được biết, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai là một trong những bệnh viện mỗi năm tiếp nhận cả chục trường hợp trẻ sơ sinh đưa đến chữa bệnh rồi bỏ lại. Nhiều trường hợp trẻ bị bỏ lại cũng được người đến xin nhận nuôi, nhưng bệnh viện vẫn phải chuyển các bé về Trung tâm Công tác xã hội (thuộc Sở
LĐ-TBXH).

Giải thích về vấn đề bệnh viện không thể trao trẻ trực tiếp cho người nhận nuôi tại bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà cho hay, một bên vì lý do gì đó phải bỏ con, một bên có đầy đủ tình yêu thương, có điều kiện kinh tế để có thể nuôi bé tốt, nhu cầu này rất chính đáng. Các bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện rất chia sẻ nỗi khao khát của những gia đình đang mong nhận con nuôi để chăm bẵm, yêu thương, nhưng theo pháp luật hiện hành, bệnh viện không có chức năng cho trẻ bị bỏ rơi, vì sẽ không làm giấy khai sinh được cho các cháu nếu không có đủ hồ sơ pháp lý.

Là nơi tiếp nhận các trẻ bị bỏ rơi, nhiều năm qua Trung tâm Công tác xã hội đã trở thành mái nhà chung của hàng trăm trẻ nhỏ bị mẹ cha chối từ. Thông tin từ Sở LĐ-TBXH cho biết, hiện Trung tâm Công tác xã hội đang nuôi dưỡng 64 trẻ không nơi nương tựa, trong đó có 40 trẻ bị bỏ rơi chuyển về. Không chỉ tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các em mà trung tâm cũng rất mong muốn và tạo điều kiện cho gia đình các bé trở lại đón con, để bé được về sống với những người thân ruột thịt của mình.

Một lãnh đạo Sở LĐ-TBXH cho biết, Trung tâm Công tác xã hội luôn mong muốn các cháu có một mái ấm gia đình, đặc biệt là được làm con của những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, có điều kiện kinh tế ổn định, có nền tảng đạo đức và văn hóa, để các bé được sống và phát triển tốt trong gia đình... Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, trung tâm cũng không có quyền trực tiếp giao trẻ cho những người nhận nuôi. Mỗi năm, cũng có từ 4-5 trẻ ở trung tâm được về làm con các gia đình nhận nuôi. Tuy nhiên, tất cả thủ tục đều phải qua các cơ quan có chức năng tư pháp.

* Cần đơn giản hơn trong thực hiện quy trình, thủ tục

Theo Điều 20, Luật Nuôi con nuôi 2012, người có nhu cầu xin con nuôi nộp hồ sơ tại UBND cấp xã và chờ đợi lần lượt. Nếu có trẻ bị bỏ rơi hoặc có người thông báo cho con, UBND xã sẽ thông báo cho người có nhu cầu nhận con nuôi. Trong 10 ngày, UBND cấp xã hoàn tất thủ tục chuyển hồ sơ về Sở Tư pháp.

Ngoài ra, Điều 33 của Luật Nuôi con nuôi 2012 cũng quy định, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến những người có liên quan (người đồng ý cho con) và gửi Cục Con nuôi (thuộc Bộ Tư pháp). Đối với trẻ bị bỏ rơi, Sở Tư pháp phải đề nghị Công an tỉnh xác minh và trả lời bằng văn bản trong 30 ngày. Sau đó Sở Tư pháp sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, gửi về Cục Con nuôi. Nếu không có gì trục trặc, trong 30 ngày, Cục Con nuôi sẽ gửi phản hồi quyết định cho phép giao trẻ cho người nhận nuôi.

Chị N.T.Tr. (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết, sau nhiều năm chạy chữa hiếm muộn, vô sinh chưa có kết quả, vợ chồng chị đành buông bỏ và quyết định xin con nuôi. Vợ chồng chị đã nộp hồ sơ xin con nuôi ở phường nhiều năm qua, nhưng không thấy phản hồi nên anh chị đành bỏ cuộc.

Chị Tr. cho rằng trình tự, thủ tục nhận con nuôi quá phức tạp, chưa kể tình trạng UBND xã, phường không mặn mà trong việc tìm nguồn cho trẻ, trong khi nơi có nguồn trẻ bị bỏ rơi, người có nhu cầu xin con nuôi lại không được tiếp cận. Thực trạng thiếu sự kết nối giữa bên cho và bên nhận, khiến nhiều người nản lòng, bỏ cuộc... trong khi có nhiều trẻ vô thừa nhận đang rất cần một mái ấm yêu thương. Do đó quy trình, thủ tục xin con nuôi cần đơn giản hơn để các cặp vợ chồng hiếm muộn như chị có cơ hội được làm cha mẹ và những trẻ bị bỏ rơi có một gia đình như bao trẻ bình thường khác.

Điều kiện để được nhận con nuôi

Điều 14, Luật Nuôi con nuôi năm 2012 quy định, người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202105/can-don-gian-thu-tuc-xin-con-nuoi-3059340/