Cần đồng bộ các giải pháp chuyển đổi mô hình chợ

Trong những năm qua, từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn xã hội hóa, cơ sở hạ tầng các chợ nói chung đã từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Tuy nhiên, hiện trạng các chợ vẫn còn nhiều bất cập, cần những giải pháp đồng bộ, kịp thời, để khắc phục, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH.

Chợ Hạ Long I (TP Hạ Long) đã nhiều lần có phương án chuyển đổi mô hình quản lý, song chưa thành công.

Hiện trên địa bàn Quảng Ninh có 133 chợ, trong đó có 22 chợ hạng 1, 23 chợ hạng 2 và 88 chợ hạng 3. Đã có 39 chợ chuyển đổi mô hình quản lý, trong đó 33 chợ do doanh nghiệp, HTX quản lý và khai thác, 6 chợ (đều là chợ hạng 3) do cá nhân, hộ kinh doanh quản lý và khai thác. Các chợ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý tập trung cao điểm vào giai đoạn 2012-2013.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ diễn ra không đồng đều tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Phần lớn các chợ chuyển đổi đều tập trung tại thành phố, thị xã, còn tại các huyện đặc biệt là huyện miền núi chưa thực hiện được việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Cụ thể, chợ chuyển đổi được phân bố ở TP Hạ Long: 10 chợ, TP Móng Cái: 3 chợ, Uông Bí: 3 chợ, Cẩm Phả: 3 chợ, Đông Triều: 7 chợ, Quảng Yên: 8 chợ, Tiên Yên: 3 chợ. Trong khi đó Hải Hà và Hoành Bồ mới có 1 chợ.

Theo đánh giá của ngành chức năng, qua thực hiện mô hình chuyển đổi chợ bước đầu cho thấy công tác quản lý kinh doanh tại các chợ tương đối ổn định, hàng hóa đa dạng, phong phú, tăng thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Hoạt động kinh doanh tại các chợ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế; nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo gặp nhiều khó khăn; thu nhập của hầu hết hộ kinh doanh giảm đã tác động đến việc đồng thuận của người dân... Chính vì vậy, việc chuyển đổi mô hình chợ đạt thấp so với kế hoạch đề ra.

Có thể thấy, việc chuyển đổi mô hình chợ là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, phù hợp với xu hướng xã hội hóa các loại hình dịch vụ công hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề tương đối khó khăn, phức tạp vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các hộ tiểu thương. Trên thực tế cũng đã có không ít địa phương vấp phải sự phản ứng gay gắt của các hộ tiểu thương trong quá trình chuyển đổi mô hình chợ đã xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, không đúng quy định, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Bên cạnh đó, hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của các cấp có thẩm quyền về quy trình chuyển đổi mô hình này.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại chợ Cẩm Đông (TP Cẩm Phả).

Trường hợp như tại chợ 3 TP Móng Cái, địa phương phải mất 7 năm để lấy ý kiến đồng thuận của khoảng 70% đối tượng có liên quan về chủ trương đầu tư xây dựng lại chợ. Trong khi đó, theo quy định của UBND tỉnh, tỷ lệ đồng thuận của đối tượng liên quan trong việc đầu tư xây dựng chợ là 80%. Bên cạnh đó, theo Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ, một số chợ hiện trạng đã xuống cấp, không đảm bảo điều kiện kinh doanh, không kêu gọi được xã hội hóa nhưng lại không thuộc đối tượng được đầu tư từ ngân sách. Điển hình như chợ Hạ Long I đã nhiều lần có phương án chuyển đổi mô hình quản lý, song đến nay chưa thành công.

Mặt khác, dù đã có doanh nghiệp xin đầu tư xây dựng theo hình thức thuê đất nhưng gặp nhiều khó khăn trong tiếp xúc tạo sự đồng thuận với các hộ kinh doanh tại chợ. Việc đầu tư xây dựng các chợ xã gặp khó khăn về vốn vì hiện phần lớn các địa phương không còn vốn để phân bổ đầu tư xây dựng chợ; việc thu hút các nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư chợ xã chưa cao do hiệu quả kinh tế của dự án sau đầu tư còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại trong việc phát triển và quản lý hệ thống chợ, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết: Sở đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 02/20023/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ phù hợp với yêu cầu thực tế theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư sửa chữa, nâng cấp chợ theo quy hoạch đối với các chợ chưa có điều kiện xã hội hóa sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, nâng cấp theo quy hoạch. Sau khi được đầu tư, sẽ thực hiện chuyển giao quyền quản lý, khai thác chợ.

Cùng với đó, đề nghị Bộ Công Thương ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác đầu tư xây dựng chợ, chuyển đổi mô hình quản lý chợ; ban hành cơ chế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, sửa chữa chợ từ nguồn vốn ngân sách cấn đối của địa phương và các nguồn thu khác từ hoạt động kinh doanh.

Hiểu Trân

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201903/can-dong-bo-cac-giai-phap-chuyen-doi-mo-hinh-cho-2425432/