Cần gấp rút xây dựng chính sách về quản lý fintech

Những năm gần đây lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đã có sự phát triển vượt bậc, làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính-ngân hàng, đem lại thuận tiện cho các giao dịch kinh doanh – tiêu dùng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia chính sách quản lý đối với lĩnh vực fintech còn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, dẫn đến nhiều bất cập cần được khắc phục.

Theo số liệu được đưa ra tại tọa đàm “Chính sách quản lý fintech” thì trong vài năm gần đây, hoạt động fintech phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung và có nhiều tiềm năng phát triển. Hệ sinh thái fintech tại Việt Nam ngày càng phát triển khi hiện nay có 30 tổ chức không phải ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh, 24 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code, 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động.

Nhằm hỗ trợ sự phát triển của fintech, ngày 16/3/2017, Thống đốc NHNN đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo fintech NHNN, với nhiệm vụ hoàn thiện hệ sinh thái fintech tại Viêt Nam, bao gồm việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của các công ty fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

 Cần gấp rút xây dựng chính sách về quản lý fintech.

Cần gấp rút xây dựng chính sách về quản lý fintech.

Mặc dù, Fintech giúp các giao dịch tài chính trở nên thuận lợi, tiện dụng với số đông người dùng, nhưng cũng phát sinh quan ngại Fintech có thể bị lợi dụng cho các hoạt động không chính đáng. Do đó, thời gian vừa qua cơ quan quản lý có những động thái nhằm siết chặt quản lý lĩnh vực Fintech, trong đó đáng chú ý là một số dự thảo quy định pháp luật hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, hoặc hạn chế giá trị giao dịch và số tài khoản ví điện tử cũng như yêu cầu khai báo thông tin lại gây phiền hà cho người dùng…

Nhìn nhận về hoạt động fintech trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam có quyết tâm trong việc thúc đẩy kinh tế số và tạo điều kiện cho fintech phát triển. Tuy nhiên, trong hoạt động xây dựng pháp luật, các cơ quan hữu quan còn khá chậm và lúng túng. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cơ quan quản lý thường trước hết nghĩ đến rủi ro trước tiên, do quan ngại về tác động lan tỏa. Đối với fintech, cần có một cơ chế quản lý rủi ro linh hoạt để có điều chỉnh nhanh theo sự vận động của công nghệ và thị trường.

Ông Thành cũng nhận xét, Việt Nam đã có những chính sách khá thoáng trong việc mở cửa một số lĩnh vực tài chính, cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, do đó cũng không nên quá lo ngại về việc không kiểm soát được lĩnh vực fintech nếu đã có các cơ chế giám sát khác. Ông Thành nhấn mạnh, đối với các lĩnh vực dịch vụ, không phải ở Việt Nam mà các nước khác cũng như vậy, thường có 2 – 3 khu vực mà các nước khá lăn tăn, thận trọng khi mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài… Đối với fintech, về cơ bản nếu chúng ta đã có cơ chế Sandbox, thì mặc dù có rủi ro, điều kiện có thể thay đổi nhưng tác động, hậu quả sẽ không quá lớn.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.

Bình luận về dự thảo các quy định quản lý fintech, ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi chính sách fintech, trong đó có việc xây dựng nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, sửa đổi Thông tư 39 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán, xây dựng cơ chế thí điểm đối với dịch vụ cho vay ngang hàng, xây dựng đề án thí điểm đối với fintech, mobile money…

Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay, fintech là lĩnh vực công nghệ mới, cần có các cơ chế quản lý và kiểm soát rủi ro khác so với các cơ chế truyền thống của hệ thống tài chính ngân hàng. Việc sử dụng cơ chế quản lý ngân hàng vào fintech sẽ không hiệu quả và kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này. Do đó, cần có giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề kỹ thuật. Việc xây dựng chính sách nên ưu tiên lợi ích số đông, không lấy một vài trường hợp vi phạm để hạn chế nhu cầu của đa số người dùng vì mục đích chính đáng.

Chia sẻ về cơ hội phát triển của fintech, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp fintech phát triển đó là quy mô dân số với 96,2 triệu dân. Tỉ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân hiện nay là 45,8 triệu, chiếm 63 % dân số có tài khoản ngân hàng và tiếp cận với ít nhất 1 dịch vụ tài chính.

Trong 5 năm tới, thị trường sẽ có những sự thanh lọc nhất định, doanh nghiệp mới sẽ được thành lập và nhiều doanh nghiệp fintech sẽ ra đi. Đây cũng là những quy luật của thị trường. Tuy nhiên nhìn vào các diễn biến hiện nay, ông Sơn cho rằng chắc chắn sẽ có các doanh nghiệp kỳ lân (các doanh nghiệp được định danh trên 1 tỷ USD). Hiện các doanh nghiệp thu hút được vốn đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp tiềm năng. Hi vọng trong 5 năm tới các doanh nghiệp đã được đầu tư sẽ có quy mô phát triển lớn hơn. Các cơ quan quản lý như NHNN sẽ có các chính sách, giải pháp giúp hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái fintech để phát triển ổn định và có thể cạnh tranh.

Hương Lan

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-quan-ly/can-gap-rut-xay-dung-chinh-sach-ve-quan-ly-fintech-5952.html