Cần giải pháp cấp bách, vượt tiền lệ để hỗ trợ doanh nghiệp

Trước tình hình khó khăn của hệ thống doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội kiến nghị cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, làm nền tảng cho phục hồi động lực phát triển.

Chiều 31/5, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Khơi thông các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) bày tỏ tán thành với các nhóm giải pháp như đã nêu Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra về nội dung này của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng các báo cáo đã rất cụ thể, chi tiết, cho các đại biểu nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh về kinh tế-xã hội.

Theo đại biểu, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là giai đoạn rất khó khăn và vất vả của đất nước ta. Những kết quả đạt được cho thấy sự đoàn kết chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò hỗ trợ không nhỏ Quốc hội, sự nỗ lực của nhân dân và doanh nghiệp, đặc biệt đó là khả năng chèo lái, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quản lý, điều hành đất nước trong giai đoạn khó khăn.

Đại biểu bày tỏ tán thành với các nhóm giải pháp trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra. Trong thời gian tới, đại biểu An cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cho cả năm, cần phải có quyết tâm và nỗ lực thật cao, đồng thời phải tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới để có giải pháp, chính sách chủ động, kịp thời.

Đặc biệt, theo đại biểu cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, phát huy tối đa nguồn lực nội tại để phát triển.

Nhấn mạnh hệ thống doanh nghiệp là nền tảng vật chất, động lực cho phát triển nhưng từ các số liệu cho thấy doanh nghiệp đang ở giai đoạn thực sự khó khăn, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ trong việc giảm lãi suất, nhấn mạnh việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện, thủ tục vay cần thực chất để vốn đến đúng, trúng và trực tiếp đến với doanh nghiệp.

Cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán, đồng thời cần tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn.

Đặc biệt, theo đại biểu, cần thay đổi văn hóa “doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”. Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ phụng sự doanh nghiệp, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó.

“Những việc gì cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ, ngành”, đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ.

Với tinh thần đó, các biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp cần thúc đẩy thị trường cả trong và ngoài nước, phải đồng bộ, thống nhất các chính sách tiền tệ và tài khóa, chủ trương xử lý đó là “nghẽn ở đâu thông ở đó, vướng ở đâu gỡ ở đó”, đại biểu kiến nghị.

Gỡ khó cho doanh nghiệp điện tái tạo

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Cũng quan tâm đến sức khỏe của doanh nghiệp, tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đóng góp ý kiến về vấn đề năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, bảo đảm các mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII.

Liên quan đến hạn chế, bất cập trong các chính sách thu mua điện từ năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời, đại biểu cho biết trước thềm Kỳ họp, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII với mục tiêu đặt ra phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất điện.

Tuy nhiên, theo đại biểu, lĩnh vực này thời gian qua vẫn còn những bất cập. Trong khi chủ trương luôn khẳng định khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo thì trong thực tiễn, doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… phải đầu tư cao hơn so với chi phí trong lĩnh vực khác.

Mặt khác, thời gian vừa qua, việc định giá để mua điện gió, điện mặt trời lại thấp hơn giá từ điện than, điện chạy dầu diezel.

Trong khi đó, có tình trạng mua chưa hết công suất của điện gió, điện mặt trời ở trong nước nhưng vẫn phải đi nhập khẩu điện từ nước ngoài, gây bức xúc trong doanh nghiệp lĩnh vực này.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry bày tỏ băn khoăn không hiểu vì sao lại có những bất cập này và cho rằng nếu không kịp thời tháo gỡ, đây cũng chính là điểm nghẽn cản trở cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm và sớm chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ những khó khăn này cho doanh nghiệp, đồng thời cũng để bảo đảm các mục tiêu trong việc thực hiện Quy hoạch điện VIII về phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất điện.

Thực hiện các chính sách giảm thuế, phí, lãi suất phù hợp

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) bày tỏ thống nhất cao với đánh giá của Chính phủ và các đại biểu Quốc hội về tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn.

Theo đại biểu, tình hình kinh doanh ngành thủy sản cũng không khá hơn. Sau thời gian dịch bệnh, kinh tế khó khăn, hầu hết người dân phải thắt chặt chi tiêu.

Do đứt gãy nguồn cung ứng, người nuôi tôm không tiêu thụ được sản phẩm hoặc phải bán với giá rất rẻ, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên sản phẩm bán ra không đủ bù đắp chi phí đầu vào, dẫn đến nhiều hộ nuôi tôm đang lao đao, có nguy cơ vỡ nợ và nghèo hóa.

“Nhiều công ty, xí nghiệp đã “kiệt sức” phải đóng cửa, một số khác phải bán rẻ tài sản để tránh vỡ nợ hoặc co hẹp quy mô sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự”, đại biểu nêu thực trạng.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp các ngành khác cũng trong tình trạng trên do thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, cạnh tranh quốc tế gia tăng nên phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.

Cuối năm 2022 đến nay, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều lượt người về quê do thiếu việc làm. Điều này sẽ làm tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự, an toàn xã hội, đại biểu nêu rõ.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, nguyên nhân của thực trạng trên là do suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng một phần cũng đến từ vấn đề nội tại như tắc nghẽn dòng vốn, mặt bằng lãi suất tăng nhanh, dòng vốn ưu đãi của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội tắc nghẽn,…

Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp gỡ khó, nhưng khâu thực hiện đang có vấn đề. Qua đó, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội hoặc xem xét có chính sách giảm thuế, phí, lãi suất phù hợp.

Ngoài ra, cần rà soát các bất cập để tiếp tục thực hiện gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, cũng như rà soát, loại bỏ các quy định mâu thuẫn, chồng chéo để tạo môi trường thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-giai-phap-cap-bach-vuot-tien-le-de-ho-tro-doanh-nghiep-post755463.html