Cần giải pháp đặc thù khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội

Ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn trong đó có Hà Nội không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người dân.

Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần có giải pháp đặc thù, ưu tiên phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cơ giới cá nhân.

Tuyến đường Tây Sơn (Hà Nội) thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Ảnh: LÊ HIẾU

Tại buổi tọa đàm mới đây về giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải) cho biết, một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm. Về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí gấp hơn 5 lần, nồng độ bụi gấp khoảng 3 lần so với quy định. Thiệt hại do mất nhiều thời gian đi lại của người dân ước tính khoảng hơn 1 triệu giờ lao động/năm. Ngoài ra, môi trường đầu tư và các vấn đề phát triển xã hội khác cũng bị ảnh hưởng. “Mấu chốt của vấn đề trên do Hà Nội đã đi vào ngưỡng siêu đô thị, dân số tập trung quá đông ở nội đô. Tốc độ tăng trưởng phương tiện cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng hạ tầng. Vận tải hành khách công cộng vẫn đang kém phát triển, với tỷ lệ đáp ứng khoảng 8-9%. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông quá thấp so với quy chuẩn”, ông Phạm Hoài Chung đánh giá.

Theo ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã triển khai rất nhiều dự án giao thông, trong đó có thể kể đến như 8 cầu vượt thép để kéo giảm ùn tắc tại các ngã tư trọng điểm, đường vành đai 1, 2, 3 cả trên cao và dưới thấp, một số dự án đường sắt đô thị... Sắp tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện theo quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn để kết nối và giảm áp lực cho các tuyến đường vành đai và xuyên tâm. “Một số giải pháp Hà Nội đã và đang triển khai chống ùn tắc giao thông, đó là xây dựng đồng bộ, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đúng quy hoạch phê duyệt, tính toán tổng thể lại vận tải hành khách công cộng, tăng cường phương tiện và chất lượng vận tải công cộng để thu hút người tham gia giao thông. Đồng thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh tổ chức giao thông tại những vị trí, đoạn đường thường xuyên ùn tắc kết hợp tuyên truyền, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm”, ông Ngô Mạnh Tuấn chia sẻ.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, không chỉ riêng Hà Nội, bất cứ siêu đô thị nào trên thế giới cũng có những thách thức cần phải giải quyết trong quá trình phát triển. Ông Phạm Hoài Chung nhìn nhận, Hà Nội đang đi đúng hướng bằng cách lập đề án phát triển phương tiện công cộng, trong đó có giải pháp tăng số lượng minibus (xe buýt cỡ nhỏ) để hỗ trợ. Kết quả khảo sát tại 21 nút giao thông và 125 tuyến phố ở Hà Nội cho thấy, hiện chỉ 10% diện tích mặt đường phục vụ cho xe buýt, có tới 90% xe cá nhân. Muốn giải quyết các điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng mà không có giải pháp đặc thù sẽ không thực hiện được. Do đó cần có sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, ưu tiên mặt bằng cho phương tiện công cộng hoạt động.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-giai-phap-dac-thu-khac-phuc-un-tac-giao-thong-tai-ha-noi-553027