Cần giải pháp để giải 'bài toán' ùn tắc ở những trục giao thông trọng điểm

Gần đây, thông tin Cục Cảnh sát giao thông kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội hạ tốc độ lưu thông trên cầu để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên cầu Thanh Trì đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh hạ tầng giao thông quá tải, nhiều trục giao thông ùn tắc thì những giải pháp cả ngắn và dài hạn cần sớm được các cơ quan chức năng nghiên cứu triển khai.

Ùn tắc giao thông trên các cây cầu nói riêng và các tuyến giao thông trên địa bàn Hà Nội nói chung đang ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông chung của Hà Nội. Tại cầu Thanh Trì, theo phản ánh từ nhiều tài xế, tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ thường xuyên diễn ra, đặc biệt ở các khung giờ cao điểm sáng, chiều hoặc khi xảy ra va chạm giao thông trên cầu.

Đóng vai trò huyết mạch nên hiện mỗi ngày cây cầu này phải gánh số lượng phương tiện lưu thông, gấp hơn 7 - 8 lần công suất thiết kế. Theo tìm hiểu, cầu Thanh Trì được đưa vào khai thác từ năm 2007.

Cầu nằm trên đường vành đai 3 nên phần lớn lượng phương tiện từ các tỉnh phía Nam đến và qua Hà Nội đều phải lưu thông qua. Hiện cầu Thanh Trì hiện được tổ chức 3 làn xe mỗi chiều. Trong đó, có 1 làn rộng dành cho xe ô tô con và xe mô tô, xe gắn máy lưu thông với vận tốc đa 50km/h; 2 làn 3,75m/làn dành riêng cho ô tô lưu thông với vận tốc tối đa 80km/h.

Đáng chú ý, trên cầu Thanh Trì xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Hiện tượng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra khi trên cầu có sự cố xe ô tô chết máy, hay tai nạn giao thông liên hoàn…

Vấn đề ùn ứ giao thông không chỉ xảy ra ở các cây cầu đóng vai trò nối thông Hà Nội với các địa phương khác như cầu Thanh Trì. Ở các trục giao thông huyết mạch, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra và hướng xử lý vẫn khá nan giải. Tuyến Vành đai 3 là ví dụ.

Khu vực cầu Thanh Trì, hễ có tai nạn giao thông là tình trạng ùn tắc lại kéo dài. Ảnh: Tuấn Dũng

Khu vực cầu Thanh Trì, hễ có tai nạn giao thông là tình trạng ùn tắc lại kéo dài. Ảnh: Tuấn Dũng

Theo ghi nhận, đây là một trong những trục đường huyết mạch của Hà Nội, đi qua địa bàn các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân... Đây cũng là trục đường kết nối các tỉnh phía Nam với các tỉnh phía Tây Bắc và với Sân bay quốc tế Nội Bài… tầm quan trọng là vậy song khi có tai nạn hoặc va chạm nhẹ giữa các phương tiện là trục này thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc.

Khách quan nhìn nhận, việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông với kết cấu hạ tầng dẫn tới quá tải và ùn tắc. Nói cách khác, hạ tầng giao thông Hà Nội đang phải “gồng mình” phục vụ trên 6 triệu phương tiện đăng ký trực tiếp tại Thành phố và hàng triệu phương tiện giao thông vãng lai. Việc gia tăng vượt mức các phương tiện cá nhân đã tạo ra những áp lực lớn cho giao thông của Thủ đô.

Trở lại câu chuyện giải pháp điều tiết giao thông cầu Thanh Trì, theo tìm hiểu Cục Cảnh sát giao thông đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì theo hướng bố trí mặt cầu thành 3 làn đường dành cho xe ô tô và 1 làn đường dành cho xe mô tô; Có dải phân cách mềm giữa làn đường dành cho xe mô tô và làn đường dành cho xe ô tô.

Điều chỉnh hạ tốc độ tối đa cho phép trên các làn đường dành cho xe ô tô từ 80km/h xuống 60km/h; Giữ nguyên tốc độ tối đa cho phép trên đường dành cho xe máy là 50km/h. Cùng đó, cần điều chỉnh vạch kẻ đường, biển báo hiệu trên cầu cho phù hợp với các làn đường dành cho xe chạy…

Rõ ràng, việc tổ chức giao thông, tìm hướng kéo giảm ùn tắc giao thông là hết sức cần thiết. Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, các ngành chức năng nên sớm đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉ có như vậy “bài toán” ùn tắc giao thông ở Thủ đô mới dần được tháo gỡ.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-giai-phap-de-giai-bai-toan-un-tac-o-nhung-truc-giao-thong-trong-diem-119724.html