Cần giải pháp đột phá cho phân luồng giáo dục

Nhiều năm qua, chúng ta vẫn loay hoay với bài toán phân luồng học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Việc đề xuất cho phép học sinh tốt nghiệp THCS được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn (còn gọi mô hình 9+) vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tới đây được xem là giải pháp tạo đột phá cho đào tạo nghề thời gian tới.

Học viên Khoa Công nghệ ô-tô (Trường cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng) tham dự khóa đào tạo thực hành tại xưởng.

Học viên Khoa Công nghệ ô-tô (Trường cao đẳng nghề số 1 - Bộ Quốc phòng) tham dự khóa đào tạo thực hành tại xưởng.

Phân luồng vẫn tắc

Theo mục tiêu của ngành giáo dục, mỗi năm phải phân luồng được khoảng 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS theo học các trường nghề, 70% còn lại sẽ vào lớp 10 khối THPT. Nhưng trên thực tế, trong nhiều năm qua, số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề chưa đến 10%. Qua số liệu thống kê, năm học 2016 - 2017 học sinh tốt nghiệp THCS thi lên THPT khoảng 76%, vào học tại trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp (GDTX - GDNN) khoảng 7%, vào trung cấp khoảng 8%, đi làm khoảng 9%. Trong khi đó, học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng khoảng 41%; vào các trường cao đẳng thuộc hệ thống GDNN khoảng 23%; học nghề tại trung tâm đào tạo nghề khoảng 13%... Mặc dù, ngành giáo dục cũng có chủ trương phân luồng, nhưng vấn đề “hậu phân luồng” vẫn còn nhiều trở ngại, không đạt được hiệu quả như mong muốn. Điều này khiến các cơ sở GDNN rơi vào tình trạng khó hoạt động vì tuyển học sinh khó khăn. Nhiều địa phương trong thực hiện chủ trương đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã đề cập đến biện pháp phân luồng học sinh sau THCS. Có địa phương còn xác định, đây là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Tùy vào điều kiện và cách thức thực hiện ở mỗi địa phương, công tác phân luồng học sinh sau THCS đã đạt một số kết quả nhất định cùng với những thay đổi về nhận thức của phụ huynh và học sinh. Nhưng nhìn chung, việc phân luồng học sinh sau THCS vẫn còn nhiều yếu kém.

Vụ trưởng Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Xuân Hùng cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới việc phân luồng rất khó khăn trong thời gian vừa qua, đó là, nhiều địa phương còn quá tập trung đầu tư cho luồng THPT, các luồng GDTX - GDNN bị bỏ rơi hoặc đầu tư nhỏ giọt, hoạt động cầm chừng, không đủ năng lực tham gia phân luồng. Trong khi đó, đầu vào của học sinh GDTX - trung cấp chuyên nghiệp thường thấp nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhất là máy móc thiết bị cho dạy và học nghề không đáp ứng yêu cầu, kết quả “đầu ra” có nhiều hạn chế. Do kỹ năng thực hành nghề chưa tốt, cơ hội xin việc làm, tự tạo việc làm của học sinh sau khi ra trường còn nhiều khó khăn. Hiệu quả xã hội đối với luồng này không cao dẫn đến khó thuyết phục việc phân luồng... Hơn nữa, công tác hướng nghiệp trong các trường THCS chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường, nhiều giáo viên bỏ ngỏ công tác này, nhất là giáo dục hướng nghiệp qua môn học và tư vấn hướng nghiệp. Việc học nghề phổ thông chỉ nhằm vào mục đích cộng điểm thi tốt nghiệp là chính. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ tâm lý xã hội, khi phần lớn phụ huynh vẫn còn tư tưởng khá nặng nề về bằng cấp. Nhiều phụ huynh chỉ muốn con em tiếp tục học THPT và lên đại học, cao đẳng chứ không muốn vào học GDTX - GDNN, trung cấp mặc dù học lực của con em yếu kém.

Tạo đột phá trong đào tạo nghề

Mô hình 9+ được hiểu là mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9, và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Mô hình này đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới. Điển hình là tại Đức với mô hình đào tạo kép và tại Nhật Bản với mô hình đào tạo KOSEN, mô hình đào tạo cho người học tốt nghiệp tương đương THCS ở Việt Nam rất thành công, đem lại giá trị về nguồn nhân lực đáp ứng nền kinh tế của đất nước họ. Qua tìm hiểu, mô hình KOSEN Nhật Bản cho phép người học tốt nghiệp có thể học liên thông lên đại học và học xây dựng chương trình đào tạo theo hình nêm: Chương trình đào tạo kết hợp giữa hai phần văn hóa và chuyên môn, phần văn hóa giảm dần và phần chuyên môn tăng dần theo từng năm.

Tại Việt Nam, 9+ được hiểu theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và theo thông lệ quốc tế. Đó là, học hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian sáu tháng đến một năm và các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Các em không phải làm những công việc độc hại và được pháp luật cho phép độ tuổi từ 16 đến 18. Lựa chọn thứ hai là học sinh tham gia chương trình đào tạo 9+2, 9+3, 9+4, 9+5 để theo tám bậc của khung trình độ quốc gia. Sau hai năm, các em lấy bằng trung cấp, và có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học... Hiện nay, mô hình 9+ đã được triển khai tại một số cơ sở GDNN và được xem là hướng đi hiệu quả trong tháo gỡ nút thắt phân luồng THPT tại Việt Nam.

Là một trong năm trường triển khai hiệu quả mô hình đào tạo KOSEN của Nhật Bản (mô hình 9+) từ năm 2016, tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (Vĩnh Phúc) Nguyễn Tiến Tùng chia sẻ, hiện trường đang dạy nhiều đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các trung tâm GDTX - GDNN của địa phương. Các em đang phải học bảy môn văn hóa từ lớp 10 đến 12 để thi tốt nghiệp THPT và thêm chương trình trung cấp của trường. Thực tế, các em cần bằng THPT để có nguyện vọng học lên bậc cao hơn (cao đẳng, đại học) theo quy định.

Do đó, mô hình này nếu được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam thì chúng ta cần thay đổi một số quy định trong Luật Giáo dục, cho phép học sinh tốt nghiệp THCS học thẳng lên cao đẳng qua chương trình đào tạo được phê duyệt (bảo đảm kiến thức văn hóa và chuyên môn); và bằng tốt nghiệp cao đẳng được liên thông lên trình độ cao hơn. Nếu làm được việc này mới hy vọng mang lại thành công trong việc phân luồng học sinh.

Thời gian qua, Trường cao đẳng Nghề số 1 Bộ Quốc phòng (Thái Nguyên) đã thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh. Mỗi năm trường cung cấp ra thị trường lao động khoảng hơn 2.000 kỹ thuật viên lành nghề từ các hệ sơ cấp, trung cấp, đến cao đẳng, đáp ứng nguồn lao động trong tỉnh cũng như nhiều địa phương khác. Trong thời gian học tập, học sinh từ hệ trung cấp, cao đẳng đều được đi thực hành từ 3 đến 6 tháng/năm, được doanh nghiệp trả lương ngay lúc đi thực tập... Ngoài ra, do quy định của pháp luật về độ tuổi lao động, học sinh học hệ trung cấp dưới 18 tuổi được nhà trường bố trí các xưởng thực hành, sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp, để các em được làm các đơn hàng, mang lại kinh nghiệm, thu nhập chính đáng ngay trong thời gian học. Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề số 1 Bộ Quốc phòng, Đại tá, TS Phạm Văn Hòa kiến nghị, để thực hiện được mục tiêu đưa mô hình 9+ vào đào tạo tại các cơ sở GDNN thì cần gỡ nhiều vấn đề còn tồn tại. Trong đó, yêu cầu đầu tiên phải là chất lượng của các cơ sở GDNN. Các trường cần bảo đảm được năng lực quản lý học sinh, sinh viên, bảo đảm cơ sở vật chất, chuẩn giáo viên, cam kết đầu ra cho người học...

Ngày 14-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 522 phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu trong đề án trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho rằng, cần có giải pháp gỡ các “nút thắt” trong vấn đề phân luồng cũng như liên thông các bậc học hiện nay. Việc đưa phân luồng vào luật là hết sức cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh và đào tạo của các bậc học sau phổ thông, trong đó có GDNN. Để thực hiện chỉ tiêu phân luồng sau trung học theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH (ngày 7-3-2019), với nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho các trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh năm 2019. Thông tư này tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh có nhu cầu đăng ký vào học GDNN. Học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học trình độ cao đẳng cũng có thể đăng ký dự tuyển. Tuy nhiên, các đối tượng này, trong quá trình học phải hoàn thiện chương trình văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%...

(Theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”)

Bài và ảnh: Nhật Anh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/39877302-can-giai-phap-dot-pha-cho-phan-luong-giao-duc.html