Cần giải pháp đột phá để sẵn sàng cho cuộc cách mạnh 4.0

Sáng 24/10, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội tiếp tục thảo luận tại tổ về các báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 -2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Hoạt động khởi nghiệp quốc gia vẫn mang tính phong trào

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, ĐB Nguyễn Thị Lan khẳng định, Chính phủ đã nêu kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ. Tuy nhiên, báo cáo vẫn chưa nêu những điểm mạnh cũng như hạn chế và giải pháp đột phá để sẵn sàng cho cuộc cách mạnh 4.0. Báo cáo của Chính phủ cũng chưa đưa ra những chiến lược và hành động cụ thể cho từng bộ ngành quyết tâm triển khai sáng tạo khởi nghiệp.

Hình ảnh tại buổi thảo luận tổ đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội, sáng 24/10.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu kinh nghiệm ở các nước trên thế giới coi khởi nghiệp là “chìa khóa” thành công, tạo động lực và nguồn lực mới cho sự hưng thịnh của đất nước. Ở Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ đã phát động phong trào khởi nghiệp quốc gia, nhưng thực tế vẫn còn mang tính phong trào, hình thức. Thực tiễn cho thấy, khó khăn nhất trong quá trình khởi nghiệp hiện nay không phải là thiếu vốn mà thiếu kiến thức về khởi nghiệp, trong khi đó hệ thống đào tạo về khởi nghiệp ở nước ta còn mỏng, thiếu bài bản.

Nữ ĐB Đoàn Hà Nội đề nghị Chính phủ cũng như ngành giáo dục cần xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo bài bản, trong đó đặc biệt chú trọng đến đào tạo khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, bởi lĩnh vực này vẫn còn tiềm năng rất lớn.

ĐB Nguyễn Thị Lan phát biểu.

Bên cạnh các giải pháp Chính phủ đưa ra về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, ĐB Nguyễn Quốc Bình đề nghị Chính phủ đi sâu phân tích, đánh giá hiệu quả cũng như hạn chế của các cơ chế chính sách hiện hành liên quan đến cải cách thể chế nền kinh tế. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần đẩy nhanh việc ban hành các chính sách kịp thời để tận dụng lợi thế mà cuộc công nghiệp cách mạng 4.0 mang lại cho kinh tế đất nước.

Còn theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh: “Vẫn còn những vấn đề, những khoảng trống pháp lý đang bị bỏ lửng cần được tháo gỡ. Về vấn đề dịch vụ công trực tuyến chưa triển khai được do từng Luật quy định khách nhau. Do đó, đề nghị Chính phủ đốc thúc, áp sát đơn vị soạn thảo nhanh chóng hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Hành chính công để các ĐB Quốc hội cho ý kiến đóng góp, sớm hoàn thiện, ban hành luật này. Bởi, đây là một trong những “nút thắt” gây khó khăn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới”.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh phát biểu.

3 động lực phát triển kinh tế - xã hội

Đồng tình với quan điểm của ĐB Nguyễn Thị Lan, ĐB Lê Quân cho rằng, trong thời gian tới, cần xác định động lực tăng trưởng mới, nếu không sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay. ĐB phân tích nhiều thách thức mà đất nước đang gặp phải, cần phải quyết trong thời gian tới. Đó là các DN trong khu vực tư nhân đang loay hoay chuyển đổi và thích ứng với cuộc công nghiệp 4.0; huy động nguồn vốn đầu tư phát triển rất cần có chính sách pháp luật về các dự án BT, BOT, cổ phần hóa DN nhà nước; ruộng đất ở vùng nông thôn còn manh mún, nhỏ lẻ cần đẩy nhanh tiến độ tích tụ ruộng đất để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa để thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Đây là 3 động lực nếu chuyển biến sẽ mang đến những bước đột phát phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

ĐB Lê Quân phát biểu.

ĐB Lê Quân cũng đề nghị Chính phủ chú ý tới động lực trong ngắn hạn tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, chất lượng du lịch để tăng giá trị gia tăng, bởi thương mại du lịch phát triển sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, nhất là giải quyết việc làm.

ĐB Nguyễn Văn Chiến phát biểu.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Chiến cho rằng, trong báo cáo, 1 số nội dung liên quan đến những khó khăn, thách thức chưa có chiến lược, kế hoạch cụ thể để tháo gỡ. Ở 63 tỉnh, TP trên cả nước, đâu đó đều có hiện tượng người dân đang kêu về vấn đề quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền cơ sở. Mặt khác, ở một số nơi, vấn đề hành chính công, 1 cửa chưa đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân. Trong khi, làm tốt công tác quản lý nhà nước ở cơ sở sẽ là động lực giúp kinh tế vĩ mô phát triển. Do đó, cải cách thủ tục hành chính, quản lý nhà nước ở cơ sở cần phải có những chính sách thông thoáng, đồng bộ để đảm bảo “guồng máy” kinh tế hoạt động trơn tru, hiệu quả.

Bài và ảnh: Hồ Hạ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/can-giai-phap-dot-pha-de-san-sang-cho-cuoc-cach-manh-40-328176.html