Cần giải pháp mạnh để ngăn chặn thanh thiếu niên phạm pháp

Thời gian qua, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, gây rối trật tự công cộng, sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn, truy sát, trả thù lẫn nhau gây nhức nhối, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông. Lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, tăng cường ra quân xử lý tuy nhiên, để giảm thiểu tình trạng này, vẫn cần có giải pháp căn cơ và gia đình vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

Những ngày qua, hình ảnh của nhóm thanh niên cầm hung khí đuổi đánh nhau được lan truyền đã gây bức xúc cho nhiều người dân trên không gian mạng. Công an huyện Thanh Oai, Hà Nội đã nhanh chóng xác minh tạm giữ 5 đối tượng - đều sinh năm 2007 trong vụ việc nêu trên về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Đại úy Nguyễn Văn Phú, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Thanh Oai, Hà Nội chia sẻ: “Công an huyện Thanh Oai cũng đã triển khai các biện pháp phòng ngừa đối với các đối tượng này. Trong đó, có biện pháp tăng cường, tuần tra kiểm soát trên địa bàn. Và đã lập danh sách, quản lý các đối tượng. Tuyên truyền về các gia đình không giao xe cho các em, những người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông”.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên khi thanh thiếu niên có hành vi cầm hung khí, phóng nhanh vượt ẩu hay hỗn chiến trên đường phố. Thời gian vừa qua, lực lượng Công an đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, phòng ngừa, ra quân xử lý, thậm chí nhiều thanh thiếu niên cũng đã chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có những đối tượng dù đang chịu án, nhưng khi bạn bè lôi kéo, vì ham chơi vẫn tiếp tục ngựa quen đường cũ.

Theo nghiên cứu, phân tích, đánh giá về tình hình tội phạm vị thành viên, các chuyên gia nhận định, phần lớn các đối tượng phạm tội là do ảnh hưởng bởi gia đình, thiếu sự quan tâm của bố mẹ, hoặc nhận biết pháp luật còn hạn chế, dễ bị lôi kéo dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

“Một số cháu bố mẹ đã ly hôn, ly thân. Ngoài ra bố mẹ tập trung vào việc làm ăn, thiếu sự quan tâm đến các cháu. Mặt khác gia đình cũng tạo điều kiện cho các cháu sử dụng điện thoại thông minh từ rất sớm nên các cháu có thể xem những video có tính bạo lực trên mạng và chơi những trò game mang tính chất bạo lực dẫn đến hình thành tư duy của các cháu là giải quyết mâu thuẫn là phải giải quyết bằng vũ lực”, Thiếu tá Mai Xuân Hưng, Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết.

Để tiếp tục răn đe, phòng ngừa tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, ngoài sự vào cuộc của lực lượng Công an, thì yếu tố gia đình vẫn là then chốt. Vẫn biết mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng chỉ khi thanh thiếu niên được quan tâm, định hướng, có sự giám sát giờ sinh hoạt và được chia sẻ, được hiểu rõ các quy định pháp luật thì các em sẽ hoàn chỉnh về nhân cách. Qua đó sẽ hạn chế những vụ việc đau lòng như thời gian vừa qua.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/can-giai-phap-manh-de-ngan-chan-thanh-thieu-nien-pham-phap-205036.htm