Cần giải pháp tổng thể trong phát triển đội ngũ điều dưỡng

Điều dưỡng là mắt xích quan trọng trong công tác cứu chữa, chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện. Tuy nhiên, những năm qua, nền y tế nước ta đang tồn tại nhiều bất cập trong công tác xây dựng, phát triển đội ngũ điều dưỡng (ĐNĐD).

Thực trạng đáng suy nghĩ

Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước có gần 130.000 điều dưỡng đang làm việc tại hơn 1.300 bệnh viện trong toàn quốc. Tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ là 1,9/1, thấp nhất khu vực Đông Nam Á và chưa đạt mức tối thiểu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (4/1).

Phát biểu tại hội nghị điều dưỡng trưởng năm 2018 do Bộ Y tế tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, GS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Những năm qua, công tác điều dưỡng đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trên các lĩnh vực: Chính sách, hệ thống tổ chức, quản lý, đào tạo, thực hành và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu để đánh giá đúng thực trạng, từ đó có những hướng đi, giải pháp cụ thể trong xây dựng, phát triển ĐNĐD.

Theo Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thì hiện nay, về mặt nhận thức nhiều người quan niệm rằng, điều dưỡng là người giúp việc và hỗ trợ kỹ thuật đơn thuần cho bác sĩ. Điều dưỡng chỉ thực hiện y lệnh của bác sĩ. Về mặt đào tạo, tuy các trường ngành y đã có các khoa đào tạo riêng về điều dưỡng, nhưng về cơ bản, việc đào tạo vẫn mang dáng dấp của đào tạo bác sĩ, y sĩ, trong khi mô hình đào tạo điều dưỡng tại các nước phát triển đi theo xu hướng đào tạo điều dưỡng theo từng chuyên ngành chuyên sâu.

Ở mặt trình độ, nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đã chuẩn hóa trình độ điều dưỡng phải từ cao đẳng trở lên, thì ở Việt Nam, điều dưỡng trình độ trung cấp vẫn chiếm gần 75%, sơ cấp còn 1,6%. Đáng chú ý là điều dưỡng trưởng khoa tại các bệnh viện trực thuộc sở y tế các tỉnh, thành phố hơn 48% vẫn ở trình độ trung cấp.

Số liệu từ Bộ Y tế cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2017, cả nước mới có hơn 300 điều dưỡng có trình độ sau đại học với vỏn vẹn 5 tiến sĩ. Nguyên nhân khách quan là Việt Nam chưa có chương trình đào tạo tiến sĩ điều dưỡng. Các điều dưỡng viên muốn được đào tạo sau đại học hầu như phải sang các nước phát triển trong khu vực.

Điểm đáng chú ý nữa là bệnh nhân khi điều trị tại các bệnh viện, phần lớn thời gian bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tiếp xúc nhiều nhất là điều dưỡng. Tuy nhiên, kỹ năng giao tiếp, ứng xử (kỹ năng mềm) của ĐNĐD hiện nay còn nhiều hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, nhưng về cơ bản công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho ĐNĐD chưa được chú trọng và chính ĐNĐD chưa chủ động rèn luyện, trang bị cho bản thân.

Cần những giải pháp đồng bộ tháo gỡ

Về tổng thể, đã đến lúc ngành y tế cần đổi mới một cách căn bản và toàn diện trong xây dựng, phát triển ĐNĐD ở các bệnh viện. Trước hết, các cơ sở khám, chữa bệnh cần đổi mới về chính sách điều dưỡng, hệ thống quản lý điều dưỡng. Chú trọng tăng cường số lượng và chất lượng nguồn nhân lực điều dưỡng. Thực hiện đổi mới phong cách và thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Về chuyên môn, cần cập nhật, hoàn thiện quy trình điều dưỡng chăm sóc người bệnh với chi phí phù hợp.

Trong tương lai, các chính sách về đào tạo nói chung và các chương trình đào tạo sau đại học dành riêng cho điều dưỡng cần được phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với các nước trên thế giới, đồng thời phải thiết lập hệ thống tổ chức điều dưỡng chặt chẽ. Đặc biệt, các đơn vị cần chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng trình độ để điều dưỡng viên có thể đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh trên tất cả phương diện, như: Chăm sóc, tư vấn, giáo dục sức khỏe và chăm sóc sau điều trị.

Nắm bắt những yêu cầu đặt ra đối với công tác điều dưỡng, ngành quân y nói chung, các bệnh viện quân đội nói riêng đã có nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng điều dưỡng. Theo Đại tá Lê Quốc Hùng, Trưởng phòng Điều trị, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), hiện nay, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ trong các bệnh viện quân đội là 3/1, cao hơn trung bình của cả nước. Tuy nhiên, ĐNĐD cơ bản chưa được đào tạo đúng chuyên môn mà thường chuyển đổi từ y sĩ, y tá sang, hoặc y sĩ, y tá kiêm nhiệm công tác điều dưỡng. Để nâng cao chất lượng ĐNĐD, ngành quân y đã xây dựng đề án đào tạo ĐNĐD và đã được thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Theo đề án, từ nay đến năm 2021, cơ bản ĐNĐD sẽ được đào tạo bổ sung trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Ngoài ra, ngành quân y sẽ chú trọng tạo điều kiện để ĐNĐD viên trau dồi trình độ, kinh nghiệm chuyên môn, nhất là những kỹ năng mềm, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/can-giai-phap-tong-the-trong-phat-trien-doi-ngu-dieu-duong-547929