Cần giải quyết đúng quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi của cổ đông, người lao động

Một câu chuyện lạ lùng đang xảy ra ở Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) sau khi thoái vốn Nhà nước. Một nhóm cổ đông sau khi thâu tóm cổ phần đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường và bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo đề ra quy chế hoạt động mới, với nhiều bất thường. Sự việc đã gây ra nhiều hệ lụy, kiện tụng kéo dài cùng những tình huống pháp lý phức tạp đòi hỏi sự công tâm của các cơ quan pháp luật…

Đại diện Vinaconex công bố tài liệu cuộc họp bất thường Đại hội đồng cổ đông ngày 11-1-2019

Siêu quyền lực và những động thái bất thường

Nhóm cổ đông An Quý Hưng đã mua lại cổ phần của Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước SCIC, giữ 57,7% vốn điều lệ và tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, bầu lại toàn bộ 7 thành viên HĐQT và 5 thành viên Ban Kiểm soát với 5/7 thành viên thuộc nhóm cổ đông An Quý Hưng. Tất cả các vị trí lãnh đạo trong Công ty bao gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Tổng giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát, Kế toán trưởng đều do người của An Quý Hưng nắm giữ.

Trước đây, khi Vinaconex còn được kiểm soát bởi các công ty Nhà nước thì Tổng giám đốc chỉ được quyết chi đến 5 tỷ đồng; Chủ tịch HĐQT được quyết định chi đến 15 tỷ đồng. Nhưng trong phiên họp đầu tiên ngày 21-1-2019 của HĐQT, các thành viên từ An Quý Hưng đã đề xuất sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT và Quy chế quản lý tài chính. Theo đó, mọi quyền bổ nhiệm cán bộ đại diện vốn thuộc cá nhân Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc; cá nhân Chủ tịch được quyền quyết định mọi giao dịch tới cả ngàn tỉ đồng, Tổng Giám đốc quyết tới 500 tỉ đồng mà không cần thông qua HĐQTvới lý do “không để lỡ cơ hội kinh doanh”. Trong khi đó, hiện nay Vinaconex có khoảng trên 1000 tỷ đồng gửi tiết kiệm, chỉ cần chủ tịch “quyết” một lần có thể "ngốn" hết ngân quỹ.

Thực tế trên khiến các cổ đông khác lo ngại, rủi ro sẽ nhấn chìm công ty. Theo phản ánh của Công ty Star Invest trong công văn gửi tới SCIC, từ khi HĐQT mới được bầu ra, các thành viên của An Quý Hưng cử bất chấp ý kiến phản đối của các cổ đông khác đã thông qua những quyết định phục vụ lợi ích nhóm cổ đông của mình. Các cổ đông đã chỉ ra khoảng 70 điểm chưa phù hợp với các quy định. Một quyết định khác gây lo ngại là HĐQT tạm ứng cổ tức khoảng 442 tỷ đồng cho cổ đông trong khi Công ty đang cần nguồn vốn để phát triển và phải vay ngân hàng 300 tỷ để trả khoản tiền tạm ứng cổ tức này….

Văn bản gửi SCIC của cổ đông Star Invest cũng cho rằng An Quý Hưng thực hiện kế hoạch “rút tiền” khẩn trương ra khỏi Vinaconex. Hàng loạt kế hoạch rút vốn đã được thông qua, bất chấp sự phản đối và những cảnh báo của các thành viên HĐQT khác về rủi ro. Quỹ đầu tư phát triển chỉ được dùng cho hoạt động đầu tư cho sản xuất kinh doanh nhưng lại được lãnh đạo công ty sử dụng đầu tư chứng khoán là hoàn toàn trái với quy định.

Kiện ra tòa nhưng vẫn khó ngăn chặn rủi ro

Trước tình hình trên, các cổ đông đã kiện ra tòa và cuối tháng 3-2019, Tòa án nhân dân (TAND) quận Đống Đa đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc Vinaconex dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11-1. Tuy nhiên, Vinaconex đã có văn bản khiếu nại khẩn cấp và ngày 25-4-2019, TAND quận Đống Đa đã hủy biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nguyên đơn có quyền kháng cáo trong thời hạn 7 ngày lên tòa phúc thẩm, là TAND TP Hà Nội.

Theo các quyết định này, HĐQT mới của Vinaconex sẽ hoạt động trở lại và chờ phán quyết cuối cùng của tòa cấp phúc thẩm trong trường hợp nguyên đơn có kháng cáo.

Theo TAND quận Đống Đa, lý do ra quyết định dựa trên cơ sở xác minh, các cổ đông khởi kiện nắm giữ cổ phần phổ thông của Vinaconex chưa đủ thời gian liên tục từ 6 tháng trở lên nên không được quyền khởi kiện yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Phán quyết trên khiến cho những lo ngại của nhóm cổ đông về tương lai của Vinaconex tiếp tục bị đe dọa trở lại.

Theo Luật sư Trần Việt Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội), nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực, trừ trường hợp bị tòa án hủy bỏ. Trường hợp các cổ đông yêu cầu có kháng cáo thì việc xem xét hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex sẽ được tiến hành ở TAND TP Hà Nội và việc có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không là do tòa phúc thẩm quyết định.

Theo Điều 114 Luật doanh nghiệp, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ ít nhất 10% cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục từ 6 tháng trở lên mới được khởi kiện. Đây là lý do mà các cổ đông Cường Vũ và Star Invest chưa đáp ứng được nên bị dừng vụ kiện. Song, cũng chính điều luật này quy định, cổ đông nắm giữ trên 6 tháng như trên mới được yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông An Quý Hưng không đáp ứng được điều kiện nắm giữ cổ phần liên tục 6 tháng nên phiên họp Đại hội đồng cổ đông ngày 11-1-2019 mà họ triệu tập có dấu hiệu không hợp pháp. Tuy nhiên, việc này có thể sẽ không được xem xét chỉ vì không tìm ra người có đủ điều kiện khởi kiện.

Và như thế, những thành viên HĐQT được bầu qua đại hội có dấu hiệu không hợp pháp vẫn tiếp tục điều hành công ty với những quyết định lạ lùng. Tương lai Vinaconex sẽ đi về đâu? Theo luật sư Bùi Quang Thu (Hà Nội): Trong trường hợp phát hiện việc tổ chức đại hội và quyết định nhân sự có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngoài biện pháp kiện ra tòa, các cổ đông có thể nhờ các cơ quan pháp luật can thiệp.

Thiết nghĩ, vướng mắc chỉ có thể được giải quyết nếu các bên đạt được sự thống nhất trong quản trị, điều hành. Trong quá trình xem xét ở tòa án, các bên cần bày tỏ thiện chí xây dựng công ty và tiếp tục trao đổi để thống nhất các nội dung liên quan công tác quản trị. Phía nguyên đơn cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi các giải pháp để các bên đạt được sự thống nhất, đảm bảo hoạt động quản trị Vinaconex tuân thủ đúng pháp luật và các chuẩn mực quản trị công ty đại chúng niêm yết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông và người lao động.

ĐỨC HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-giai-quyet-dung-quy-dinh-cua-phap-luat-va-bao-dam-quyen-loi-cua-co-dong-nguoi-lao-dong-572789