Cần hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Bên cạnh công tác phòng, chống tham nhũng, cần xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực.

Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1930 – 3-2-2023), báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng khoa Xây dựng Đảng Học viện Cán bộ TP.HCM, xung quanh công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng trong thời gian qua.

Tại Hội nghị lần thứ 16 Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XI nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị trong công tác phòng, chống tham nhũng cần phải chủ động phòng ngừa, khắc phục các nguyên nhân, nhất là ở các vị trí công tác có nhiều nguy cơ, có rủi ro cao. Ảnh: NGUYỆT NHI

Phòng, chống tham nhũng không có tình trạng nhẹ trên, nặng dưới

. Phóng viên: Năm 2022, trung ương đã kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao; hàng loạt cán bộ sai phạm trong các lĩnh vực kinh tế, y tế, đăng kiểm… cũng đã và đang được xử lý. Bà đánh giá như thế nào về sự quyết liệt xử lý cán bộ sai phạm thời gian qua của Đảng?

+ TS Trần Thị Hà Vân (ảnh): Đảng ta xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần quyết liệt thực hiện để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Những vụ trọng án liên quan đến nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ cấp cao cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta tiếp tục được thực hiện với quyết tâm chính trị cao, ngày càng đi vào chiều sâu.

Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến không ngưng, không nghỉ, không thể chững lại như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói. Việc xử lý đảng viên vi phạm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, không có tình trạng nhẹ trên, nặng dưới cho thấy sự nghiêm minh, công bằng, khách quan và quyết liệt của Đảng đối với vấn nạn này.

. Sự quyết liệt đã tác động thế nào đến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, thưa bà?

+ Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng và giáo dục, rèn luyện đảng viên. Qua đó, từng đảng viên hiểu rõ rằng Đảng không có chỗ cho những người suy thoái, vụ lợi và mỗi đảng viên tự ý thức là phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện mình.

Việc quyết liệt và hiệu quả trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua càng củng cố, tăng cường lòng tin của cán bộ, đảng viên; tạo sự yên tâm và tin tưởng sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, tiêu cực, dù đây là cuộc chiến còn nhiều khó khăn.

Sự quyết liệt và hiệu quả của cuộc chiến này đã cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe những cán bộ, đảng viên có chức quyền phải biết “sợ” mà dừng lại, có muốn cũng không dám.

Cán bộ phải tăng “đề kháng” trước cám dỗ vật chất

. Có ý kiến cho rằng một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn “chưa biết sợ”, vẫn còn suy nghĩ kiểu “trời kêu ai nấy dạ”... Theo bà, vì sao lại tồn tại cách suy nghĩ ấy và mỗi cán bộ cần làm gì, các cấp ủy cần làm gì để thay đổi nhận thức này?

+ Thực tế cũng còn tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn “chưa biết sợ”, bị ma lực của đồng tiền mà bất chấp nên tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên hiểu rõ những quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật nghiêm minh của Đảng. Nếu không thức tỉnh, nếu không biết sợ, vẫn “làm liều” thì rất khó “thoát” được sự phát hiện và xử lý. Bên cạnh đó, sự phán xét của “tòa án lương tâm”, danh dự của con người, sự cắn rứt, xấu hổ là điều mất mát lớn nhất. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải biết giữ mình, phải tăng “đề kháng” trước cám dỗ của vật chất.

. Trung ương đã có nghị quyết và một trong những nội dung là yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực... Theo bà, cần xây dựng cơ chế như thế nào để mọi quyền lực đều được kiểm soát để mỗi cán bộ, đảng viên “không thể tham nhũng”?

+ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo “phải nhốt quyền lực trong chiếc lồng cơ chế”. Cho nên cần có giải pháp căn cơ, có tính chất nền tảng nhằm kiểm soát quyền lực. Phải quán triệt nguyên tắc mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ chế; quyền lực phải gắn với trách nhiệm; quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó; phải hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, trước hết là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Khuyến khích cán bộ mạnh dạn đổi mới, sáng tạo cần đi đôi với xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ.

Bên cạnh đó, cần có quy định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, trước hết là người có chức vụ; đồng thời phải có quy định về kiểm soát quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền và chế tài xử lý vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ.

Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát tài sản, thu nhập; tiếp tục cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên trong, kiểm soát lẫn nhau và phát huy vai trò giám sát của MTTQ, giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên.

Phải ngăn việc lợi dụng đổi mới, sáng tạo để tham nhũng

. Bên cạnh việc xử lý cán bộ sai phạm, tham nhũng thì trong Kết luận 14 ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị cũng đã đưa ra chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung...

+ Kết luận 14 khuyến khích cán bộ mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, tìm ra cách làm hay, giải pháp đột phá cho một số vấn đề đang vướng mắc, tồn tại nảy sinh trong thực tiễn.

Tuy nhiên vẫn còn có cán bộ mang tâm lý nể nang, ngại va chạm, ngại đề xuất ý tưởng, ngại đổi mới vì sợ bị sai phạm, khuyết điểm, họ thường chọn giải pháp an toàn là làm việc theo tư duy cũ, phương pháp cũ. Đặc biệt, khi công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh thì ở đâu đó cũng có tâm lý phòng thủ, thiếu mạnh dạn trong đổi mới, sáng tạo.

Vì vậy, khuyến khích cán bộ mạnh dạn đổi mới, sáng tạo cần đi đôi với xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ.

. Theo bà, cần làm gì, tạo cơ chế ra sao để hiện thực hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, để xây dựng nên đội ngũ cán bộ vừa mạnh mẽ trong hành động vừa ngăn chặn được các nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm?

+ Khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo nhưng phải bảo vệ cán bộ để cán bộ vừa quyết tâm vừa yên tâm, có như vậy Kết luận 14 mới đi vào thực tiễn.

Muốn vậy cần phải có quy định cụ thể về đổi mới, sáng tạo trong từng lĩnh vực, từng công việc cụ thể làm cơ sở cho cán bộ dựa vào đó mà thực hiện; cần kịp thời thay thế những quy định gây cản trở sự phát triển; cơ quan, đơn vị cần tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, hỗ trợ về vật chất và tinh thần để cán bộ được sáng tạo, cống hiến.

Song song đó là xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo.

Cũng cần đề phòng tình trạng cán bộ lợi dụng đổi mới, sáng tạo vì “lợi ích nhóm”, lợi ích cá nhân, nhằm mục đích trục lợi.

Vì vậy, bên cạnh việc tạo môi trường, điều kiện để cán bộ đổi mới nhưng cần tăng cường kiểm soát quyền lực, kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ để kịp thời xử lý và bảo vệ cán bộ...

. Xin cám ơn bà!

Cần tìm người hành động chứ không chỉ có bằng cấp

Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trước tiên phải làm đúng, không làm sai.

Vì vậy, cần xây dựng một cơ chế đồng bộ hơn, cơ chế đó không bao biện cho cái sai, không bao che, dung dưỡng các hành vi sai trái mà phải giúp cho họ biết được cái nào đúng, cái nào sai. Cơ chế đó sẽ giúp xây dựng nên đội ngũ cán bộ vừa mạnh mẽ trong hành động vừa ngăn chặn được các nguy cơ tham nhũng, “lợi ích nhóm”.

TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ, Trường ĐH Luật TP.HCM

Trước hết, phải có cấu trúc phân định thẩm quyền hợp lý đi từ chiều dọc lẫn chiều ngang, phải hình thành cấu trúc phân định thẩm quyền ở cả bên ngoài và bên trong.

Nếu hình thành cơ chế phân định thẩm quyền rõ ràng, chặt chẽ, người nào việc nấy sẽ hạn chế tối đa cơ chế chỉ đạo, xin ý kiến, xin hướng dẫn hay phê chuẩn.

Khi xác định được những phân khúc khác nhau thì cán bộ sẽ có sự tự chủ trong giới hạn của mình, họ sẽ biết được mình nên làm gì, không nên làm gì; biết phạm vi của mình nên dừng lại ở đâu, kiểm soát được hành động của mình. Cần tạo ra sự chủ động tích cực cho cán bộ. Nếu mọi thứ đều minh bạch và có căn cứ pháp lý thì họ sẽ mạnh dạn làm.

Để cán bộ dấn thân và phát huy được năng lực thì phải tính đến yếu tố đầu vào về mặt con người. Trong việc tuyển chọn nhân sự cần quan tâm đến chuyên môn nhiều hơn. Đặc biệt, cần tìm kiếm những con người hành động chứ không chỉ là những người có bằng cấp thuần túy. Có như vậy mới mong tuyển dụng được đội ngũ có năng lực thực sự.

TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ, Trường ĐH Luật TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-hanh-lang-phap-ly-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-post718454.html