Cần hành lang pháp lý phù hợp để kết nối và chia sẻ dữ liệu số

Về khách quan, chia sẻ dữ liệu mang lại lợi ích nhưng có rủi ro vì dữ liệu mang thông tin, thông tin giá trị có thể liên quan đến tài sản quốc gia, đời sống riêng tư của người dân. Vì vậy, cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu để bảo đảm rằng tất cả các dữ liệu đều được chia sẻ trong một cơ chế pháp luật đảm bảo.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ rào cản thúc đẩy phát triển nền kinh tế số”.

Trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tài nguyên số được xác định là một trong 3 trụ cột chính và đóng vai trò cốt lõi cho phát triển nền kinh tế số Việt Nam, bao gồm: Hạ tầng và dịch vụ số; tài nguyên số và chính sách chuyển đổi số.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay việc quản lý tài nguyên số vẫn còn nhiều bất cập, thiếu hành lang pháp lý để phát triển. Điều này dẫn đến một thực trạng là các cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, tài chính, dân cư, quản lý đất đai... chưa được thực hiện hoàn thiện.

Dữ liệu các dịch vụ công trực tuyến hiện vẫn chưa liên thông ở các sở ngành, địa phương nên chưa phát huy được tính thống nhất và chia sẻ thông tin, vì vậy người dân, doanh nghiệp khi làm dịch vụ công phải khai báo thông tin nhiều lần cho mỗi dịch vụ.

Các khách mời trao đổi tại Tọa đàm

Các khách mời trao đổi tại Tọa đàm

Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp về quản lý tài nguyên số để thúc đẩy việc kết nối và chia sẻ dữ liệu số giữa cơ quan nhà nước, đồng thời tiến tới cung cấp dữ liệu mở cho xã hội. Đây cũng là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT nhìn nhận, đây là thời điểm rất chín muồi trong việc phát triển hạ tầng số, dữ liệu số và kinh tế số.

Khi trao đổi dữ liệu với nhau, các dữ liệu đó cần có hình thức kết nối, chia sẻ và được quản lý phù hợp. Vì dữ liệu mang thông tin, giá trị nên nếu chúng ta khai thác, sử dụng dữ liệu đó không hiệu quả và không có phương pháp quản lý bảo đảm an toàn thì gây ra nhiều vấn đề. Chính vì vậy, chúng ta cần hạ tầng pháp lý để quản lý, khai thác dữ liệu, tài nguyên mới này hiệu quả.

Tài nguyên số có vai trò rất quan trọng trong CMCN 4.0, tuy nhiên, có một thực trạng là hiện nay, các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng về nông nghiệp, tài chính, dân cư, quản lý đất đai... chưa được thực hiện hoàn thiện và kết nối với nhau.

Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT cho rằng, chúng ta quản lý theo cách truyền thống, xem dữ liệu là một phần của hệ thống CNTT, muốn lấy dữ liệu từ phía đơn vị nào đó thì sẽ cung cấp thông tin theo hình thức văn bản hay trích xuất, chứ chưa có chia sẻ dữ liệu với nhau để khai thác tài nguyên này.

Chính vì thế, việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành cũng mang tính nghiệp vụ, khi cần quản lý đến đâu thì số hóa đến đó nên chúng ta chưa có dữ liệu hoàn thiện.

Với số lượng dân số đông như Việt Nam, chúng ta cũng mất một chi phí lớn và thời gian nhất định để làm việc này. Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta chia sẻ và khai thác một cách hợp lý, nếu phung phí thì rất nguy hiểm, nhưng nếu đóng kín không chia sẻ thì cũng rất phí phạm nguồn tài nguyên này.

Ông Nguyễn Hồng Thắng cho rằng, hạ tầng chúng ta xây dựng chưa có chiến lược tổng thể. Dữ liệu đang phân tán, nếu muốn chia sẻ, hiện nay khó có thể chia sẻ được, chất lượng dữ liệu chưa tốt, khi chia sẻ có thể có những rủi ro. Chính vì vậy, cần xây dựng hệ thống dữ liệu tổng thể mới chia sẻ được.

“Vấn đề về công nghệ, tôi thấy đây là thời điểm chín muồi. Công nghệ giải quyết được tốt bài toán về dữ liệu, chúng ta chỉ còn thiếu nhận thức quyết tâm, làm cho dứt điểm, đừng để kéo dài. Rất nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia kéo dài nhiều năm không thực hiện, bây giờ quyết tâm và có hành động mạnh mẽ, phải có đầu tư và cả nguồn vốn cũng rất quan trọng”, ông Thắng nói.

Về khách quan, chia sẻ dữ liệu mang lại lợi ích nhưng có rủi ro vì dữ liệu mang thông tin, thông tin giá trị có thể liên quan đến tài sản quốc gia, đời sống riêng tư của người dân. Vì vậy, cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu để bảo đảm rằng tất cả các dữ liệu đều được chia sẻ trong một cơ chế pháp luật đảm bảo.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo và đi gần đến giai đoạn cuối, sẽ sớm ban hành trong thời gian tới để tạo ra hành lang pháp lý là Nghị định chia sẻ dữ liệu trong các cơ quan nhà nước. Nghị định này sẽ tháo gỡ, giải quyết vấn đề trong thời gian tới để các cơ quan nhà nước có thể chia sẻ dữ liệu với nhau, với doanh nghiệp và người dân.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ca-n-ha-ng-lang-pha-p-ly-phu-ho-p-de-ket-noi-va-chia-se-du-lieu-so-181858.html