Cần hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ đề nghị theo quy định

Ông Chế Thái Bảy ở số 6, thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi; nhập ngũ tháng 9-1969 biên chế tại Tiểu đoàn 95, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 (Đoàn Sao Vàng). Ông cùng đồng đội trực tiếp tham gia nhiều trận đánh và hai lần bị thương tại chiến trường Quảng Ngãi.

Tháng 7-1971, sau khi bị thương nặng, ông được chuyển ra miền Bắc, an dưỡng tại Nghệ An. Năm 1975, ông được chuyển vào Trại an dưỡng Quy Nhơn (Bình Định) điều trị và sau đó được xuất ngũ về quê nhà ở Quảng Ngãi. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Bảy đã vào TP Hồ Chí Minh làm ăn và sinh sống. Được biết, từ khi xuất ngũ đến nay, ông Bảy chưa được hưởng bất kỳ chế độ chính sách nào cũng như chưa được công nhận là thương binh, hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Nguyên nhân là do ông đã để thất lạc toàn bộ giấy tờ liên quan đến quá trình công tác và chiến đấu của mình. Hiện nay, ông Bảy chỉ còn lưu giữ Kỷ niệm chương của Sư đoàn 3 và giấy xác nhận của hai đồng đội cùng đơn vị chứng kiến ông bị thương trước đây.

Theo Khoản 1, Điều 7, Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 hướng dẫn thủ tục xác nhận đối với người bị thương thuộc lực lượng quân đội đã phục viên, xuất ngũ: “Người bị thương lập bản khai cá nhân (Mẫu TB) kèm theo giấy tờ chứng minh tham gia cách mạng quy định tại Khoản 1, Điều 6 thông tư này (lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân; lý lịch công an nhân dân; quyết định phục viên, xuất ngũ, thôi việc; hồ sơ bảo hiểm xã hội hoặc các giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31-12-1994 trở về trước) gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú trước khi nhập ngũ và tùy từng trường hợp kèm theo một trong các giấy tờ khác”. Còn tại Điểm b, Khoản 1, Điều 7 của thông tư này quy định: “Trường hợp có dị vật kim khí trong cơ thể quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 6 thông tư này (người bị thương thuộc lực lượng quân đội, công an có vết thương thực thể nhưng không còn danh sách quân nhân bị thương do cơ quan, đơn vị quản lý quân nhân khi bị thương đã giải thể hoặc không lưu giữ được. Trường hợp không có vết thương thực thể nhưng còn dị vật kim khí trong cơ thể thì phải có kết quả chiếu, chụp và kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên hoặc bệnh viện quân đội, công an khẳng định còn dị vật kim khí trong cơ thể là căn cứ chứng minh bị thương trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu) kèm theo kết quả chiếu, chụp và kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên hoặc bệnh viện quân đội, công an".

Trong trường hợp của mình, ông Bảy có thể liên hệ với Sư đoàn 3 (nay thuộc Quân khu 1) đề nghị đơn vị cung cấp danh sách những người bị thương trong giai đoạn đó và xem xét, xác nhận. Hoặc ông có thể đến các bệnh viện quân đội đề nghị giám định thương tật (vết thương hiện vẫn còn trên người) để làm căn cứ, thủ tục đề nghị công nhận là thương binh. Khi đã đủ điều kiện, ông cần liên hệ trực tiếp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hoặc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi đang cư trú để được hướng dẫn hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ đề nghị xem xét công nhận là thương binh theo quy định của pháp luật.

HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ban-doc/theo-dau-don-thu/can-hoan-chinh-thu-tuc-ho-so-de-nghi-theo-quy-dinh-546360