Cần khẩn cấp cấm sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử

Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Bên cạnh thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng gia tăng, nhất là trong thanh niên, thiếu niên. Với những ảnh hưởng nguy hại đối với sức khỏe, nhiều ý kiến cho rằng, cần khẩn cấp cấm sản xuất, lưu hành sản phẩm này.

Một bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm chống độc sau khi dùng thuốc lá điện tử có chất ma túy.

Một bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm chống độc sau khi dùng thuốc lá điện tử có chất ma túy.

Tại cuộc trao đổi thông tin với báo chí mới đây, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết: Các nghiên cứu trên thế giới phát hiện có ít nhất 60 hợp chất hóa học được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử.

Trong đó, nicotin là một hóa chất gây nghiện cao, là nguyên nhân dẫn đến nghiện nicotin và các nguy cơ khác bao gồm các bệnh tim, phổi cùng nhiều bệnh khác. Bản thân lá thuốc lá đã có chứa nicotin tự nhiên, nhưng các sản phẩm thường chứa chất phụ gia để gia tăng khả năng hấp thụ nicotin. Những chất này có thể đưa nicotin vào não trong vòng vài giây, khiến người sử dụng nhanh chóng phụ thuộc vào nicotin và khó cai thuốc lá.

Nicotin ở liều thấp đã có thể kích thích hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, gây kích thích, làm tâm trạng hưng phấn và tăng nhịp tim hoặc huyết áp; liều cao nicotin có thể làm hạ nhịp tim, hạ huyết áp và trầm cảm... Nicotin là một chất gây nghiện cao, gây tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp; ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u.

Để che giấu độ gắt của nicotin làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn và tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất thuốc lá điện tử còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như bạc hà, táo, cam, chanh... Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 20 nghìn loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe.

Ngoài nicotin, thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây khô miệng và viêm đường hô hấp trên. Các chất độc hại được tìm thấy trong sol khí của thuốc lá điện tử như Ethylene Glycol, Diethylene Glycol, aldehydes, hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs)...

Một số kim loại như chì, bạc, crom, nikel, formaldehyde có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử có chứa vitamin E axetat và tetrahydrocannabinol, một chất kích thích hệ thần kinh có chứa trong cần sa, được cho là có vai trò quan trọng gây ra hàng nghìn trường hợp tổn thương phổi…

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, tình trạng nhập viện do thuốc lá điện tử đã đến mức báo động. Báo cáo tổng hợp của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy năm 2023 và bốn tháng đầu năm 2024 cả nước có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá mới.

Thuốc lá mới đe dọa những thành quả bước đầu trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam khi tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7%.

Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỷ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25-44 tuổi (3,2%), 45-64 tuổi (1,4%). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023…

Các báo cáo, ý kiến trình bày tại phiên giải trình “Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây đều cho rằng, thuốc lá điện tử đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở nước ta, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh.

Bên cạnh đó, tình hình nhập lậu, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá mới trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh.

Tác hại của thuốc lá điện tử đến sức khỏe được đánh giá như thuốc lá truyền thống. Đặc biệt, đối với thanh niên, thiếu niên còn làm suy yếu sự phát triển não bộ của trẻ em và vị thành niên, gây nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần; ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ và bào thai trong tương lai; tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực, ảnh hưởng an ninh trật tự và phát triển kinh tế-xã hội.

Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất là 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá, trong đó đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân chính.

Phơi nhiễm nicotine tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kỳ thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên. Việc nghiện nicotine ở thanh thiếu niên dẫn đến rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần.

Trong khi đó, công tác phòng chống tác hại thuốc lá, kiểm soát và hạn chế thuốc lá còn những mặt hạn chế, cần khắc phục. Chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá hiện hành chưa đủ bao quát để điều chỉnh cả về công tác quản lý, kiểm soát cũng như phòng chống tác hại của nó; Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng dẫn đến thiếu quy định về cơ chế quản lý, chế tài xử phạt đủ mạnh đối với hành vi vi phạm...

TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Không chỉ có nicotin mà còn có nhiều chất khác có hại cho sức khỏe người dùng. Hiện nay, chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình từ hơn 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng. Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, có như vậy mới phòng tránh được một loạt vấn đề lớn và nghiêm trọng về sức khỏe với người dân.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-khan-cap-cam-san-xuat-luu-hanh-thuoc-la-dien-tu-post809530.html