Cần khởi tố ngay người cố tình vi phạm phòng chống dịch

Nếu không mạnh tay xử lý những người cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19 thì công cuộc phòng chống dịch của Việt Nam càng khó khăn hơn, thậm chí nguy cơ đổ vỡ hệ thống y tế là khó tránh khỏi

Trong lúc toàn xã hội đang nỗ lực khôi phục kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động sau một năm vất vả chống dịch Covid-19 thì vẫn còn một số trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ cả hệ thống chính trị và toàn dân nỗ lực tham gia.

Một người vi phạm, cả xã hội "lên ruột"

Cách đây hơn một tháng, một nam tiếp viên hàng không (bệnh nhân 1342) vi phạm quy định về cách ly dẫn đến bị nhiễm Covid-19 và lây cho bệnh nhân 1347, sau đó bệnh nhân 1347 lây cho 2 trường hợp khác trong cộng đồng ở TP HCM. Hàng ngàn người phải đưa đi cách ly, xét nghiệm; nhiều khu dân cư, trường học bị khoanh vùng cách ly, dập dịch trong nỗi lo nơm nớp của người dân. Đáng nói hơn, từ việc lây nhiễm của bệnh nhân 1342 và những người liên quan đã làm hơn 170.000 sinh viên, học sinh trên địa bàn TP HCM phải nghỉ học. Hậu quả mà bệnh nhân này gây ra là rất nghiêm trọng.

Khi vụ việc vừa lắng xuống thì mới đây lại xảy ra trường hợp bệnh nhân 1440 ở Vĩnh Long nhập cảnh trái phép từ Myanmar về Việt Nam mắc Covid-19. Bệnh nhân này không chỉ mang bệnh về nước mà còn tiếp xúc gần với một nam thanh niên ở quận 5, TP HCM và người này bị xác định dương tính với Covid-19. Đáng trách hơn, bệnh nhân khai báo lòng vòng, làm tốn công sức truy vết, khoanh vùng dập dịch của nhiều địa phương.

Một phần chung cư Sư Vạn Hạnh bị phong tỏa do có một thanh niên nhập cảnh trái phép cùng với bệnh nhân 1440 mắc Covid-19Ảnh: HẢI YẾN

Một phần chung cư Sư Vạn Hạnh bị phong tỏa do có một thanh niên nhập cảnh trái phép cùng với bệnh nhân 1440 mắc Covid-19Ảnh: HẢI YẾN

Trước tình hình này, tối 27-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện số 1838/CĐ-TTg về việc phòng chống dịch Covid-19 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương. Công điện nêu rõ tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn ra rất nghiêm trọng. Việt Nam phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch, nhất là trường hợp bệnh nhân 1440 tại Vĩnh Long.

Như vậy, chỉ một người thiếu ý thức, cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh là cả xã hội phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề.

Đủ cơ sở để truy tố

Từ khi dịch xảy ra đến nay, đã có nhiều trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch của cơ quan chức năng nhưng các cơ quan tố tụng chỉ mới xử lý các trường hợp đưa người nhập cảnh trái phép, chống đối người thi hành công vụ mà chưa xử lý hình sự những trường hợp làm lây lan bệnh trong cộng đồng.

Tại TP HCM, liên quan đến vụ việc bệnh nhân 1342 làm lây lan dịch trong cộng đồng, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi tố vụ án ‘‘Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’’, theo điều 240 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Có lẽ đây là địa phương đầu tiên trong cả nước khởi tố hình sự về tội danh này. Dù vậy, đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa có thông tin về việc có khởi tố bị can hay không.

Trước đó, vào ngày 30-3, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19. Theo hướng dẫn tại mục 1.1 của Công văn 45, hành vi "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’’ được quy định tại điểm c khoản 4 điều 240 Bộ Luật Hình sự: "Người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch Covid-19 đã được thông báo cách ly nhưng thực hiện một trong các hành vi như: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối". Với những hành vi này, nếu gây lây truyền dịch Covid-19 cho người khác thì tùy tính chất, mức độ và hậu quả, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp người chưa bị xác định mắc Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện các hành vi: "Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối", sẽ bị xử lý về hành vi "Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người", áp dụng theo điểm d khoản 1 điều 295 Bộ Luật Hình sự, với mức phạt tiền từ 20-100

triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Tuy nhiên, các hình thức xử phạt này áp dụng trong trường hợp các hành vi nói trên phải gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh.

Như vậy, hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với các trường hợp đã xảy ra.

Cơ quan tố tụng cần kiên quyết, mạnh dạn khởi tố đối với các trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh. Chúng ta xử lý mạnh tay một số trường hợp để làm gương, nếu không thì sẽ có nhiều trường hợp vi phạm khác tiếp tục xảy ra. Lúc đó, bao nhiêu nỗ lực của cả hệ thống chính trị sẽ bị trôi sông đổ bể.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/can-khoi-to-ngay-nguoi-co-tinh-vi-pham-phong-chong-dich-20201228220922102.htm