Cần khuyến khích tái chế rác thải nhựa làm đường giao thông

Rác thải nhựa (RTN) đang là gánh nặng cho môi trường nước ta và việc giảm lượng RTN trở thành vấn đề cấp bách. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, RTN tái chế đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có làm đường giao thông. Vừa qua, tại TP Hải Phòng, một đoạn đường dài 200m làm từ RTN được đưa vào sử dụng thử nghiệm, với nhiều ưu điểm so với đường nhựa thông thường. Đây là việc làm mang lợi ích kép về kinh tế và môi trường cần được ứng dụng rộng rãi.

Nhiều lợi ích từ con đường làm bằng rác thải nhựa

Với đặc tính rẻ, tiện lợi, các sản phẩm nhựa hiện nay được người tiêu dùng sử dụng phổ biến, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, túi ni lông, hộp xốp… Tuy nhiên, những sản phẩm trên ở Việt Nam hiện chưa được tái chế sử dụng nhiều nên hằng năm, lượng RTN để lại rất lớn. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong 4 quốc gia tại châu Á (sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines) phát sinh RTN nhiều nhất (RTN chiếm khoảng 7% tổng lượng rác thải, tương đương gần 2.500 tấn/ngày). Trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 30-40kg nhựa/năm. Riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 4.000 đến 5.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, RTN chiếm 7-8%. Số lượng bao bì và túi ni lông sử dụng hằng ngày gia tăng ở Việt Nam dẫn đến số lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm trong khi tỷ lệ chất thải bao bì và túi ni lông không được tái sử dụng, phải chôn lấp chiếm 5-8%, tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như: Australia, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển… RTN được nghiên cứu tái chế và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, là nguyên liệu trong sản xuất xăng dầu, làm đường giao thông… Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc tái chế RTN chưa nhiều, chỉ có một số ít doanh nghiệp chú ý đến vấn đề này để bảo vệ môi trường. Bà Mai Hà Thanh Uyên, Giám đốc phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á của Công ty TNHH DOW Chemical Việt Nam đánh giá, với lượng RTN lớn của nước ta hiện nay, nếu biết tận dụng thì thực sự là nguồn tài nguyên dồi dào phục vụ sản xuất vật liệu từ nhựa tái chế, đặc biệt là làm đường giao thông. Ứng dụng vật liệu tái chế từ RTN mang lại hiệu quả kép về kinh về và môi trường. Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu mà đây còn là giải pháp giúp các sản phẩm nhựa khó tái chế thường bị đem chôn lấp được tái sử dụng. Việt Nam đang tìm mọi cách để giảm RTN, vì vậy, đây là biện pháp hiệu quả và an toàn để bảo vệ môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính.

Vừa qua, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ hợp tác cùng Công ty TNHH DOW Chemical Việt Nam xây dựng thử nghiệm 200m đường từ RTN tại Khu công nghiệp DEEP C (TP Hải Phòng). Đây là đoạn đường làm từ RTN đầu tiên tại Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Hiến, Trưởng phòng Phát triển DEEP C cho biết, qua quá trình kiểm tra độ bền của đường cho thấy, đường làm từ RTN có độ bền cao, khả năng thoát nước và chống trơn trượt tốt hơn so với đường nhựa thông thường, độ ổn định khi nén cao hơn 15%. Mặc dù chỉ chiếm 5-8% lượng nhựa đường, tương đương với 0,4-0,5% của toàn bộ hỗn hợp bê tông nhựa (lượng nhựa đường chiếm 4,5-4,6% hỗn hợp bê tông nhựa) nhưng khi đưa vào sử dụng cho 1,4km đường với chiều rộng 6m, bề dày áo đường 6cm sẽ cần 6,5 tấn nhựa tương đương khoảng 1,7 triệu túi ni lông bình thường. Như vậy, nếu lượng rác thải này không được tái chế sẽ gây ô nhiễm môi trường, chiếm diện tích đất chôn lấp.

 Đoạn đường làm từ rác thải nhựa tái chế tại Khu công nghiệp sinh thái DEEP C (TP Hải Phòng).

Đoạn đường làm từ rác thải nhựa tái chế tại Khu công nghiệp sinh thái DEEP C (TP Hải Phòng).

Cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mô hình tái chế RTN làm đường giao thông là rất hữu ích và cần được nhân rộng ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập tại Việt Nam vì việc sử dụng RTN để làm đường giao thông tại Việt Nam chưa phổ biến nên việc xin giấy phép xây dựng còn nhiều rào cản. Đặc biệt, chi phí phân loại và nghiền rác thải còn cao, vì vậy, nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.

Bà Mai Hà Thanh Uyên đề xuất, Chính phủ cần ban hành quy chuẩn về tái chế RTN làm đường giao thông ở phạm vi quốc gia, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Mặt khác, Nhà nước cần hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về lợi ích của việc tái chế RTN làm đường giao thông để người dân, doanh nghiệp và chính quyền thấy rằng đây là vấn đề cả xã hội cần chung tay góp sức, tạo nên cú hích cho tất cả doanh nghiệp thấy được trách nhiệm của mình đối với xã hội và môi trường. “Sau khi có kết quả thử nghiệm thành công, DOW sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ cho các đối tác ở Việt Nam để có thể xây dựng thêm nhiều con đường làm từ RTN hơn nữa”, bà Mai Hà Thanh Uyên chia sẻ.

Bài và ảnh: TRẦN THÙY DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-khuyen-khich-tai-che-rac-thai-nhua-lam-duong-giao-thong-602771