Cần làm gì để hỗ trợ ngư dân bám biển?

Nhà nước cần đảm bảo các điều kiện cần thiết, tối thiểu để ngư dân tiếp tục ra biển và luôn sát cánh cùng lực lượng chấp pháp trong sản xuất cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trước thử thách về bảo vệ chủ quyền, ngư dân Việt Nam đang siết chặt đội ngũ, phát huy truyền thống tự lực, tự cường để quyết tâm bám biển, đảm bảo kế mưu sinh cho gia đình đống thời xây dựng đất nước giàu mạnh.

Với bản chất kiên cường, dũng cảm cũng như mưu trí, sáng tạo chắc chắc ngư dân sẽ làm nên “cuộc chiến tranh trên biển” khi tổ quốc lâm nguy.

Để bảo vệ ngư dân, phát triển ngư nghiệp và bảo vệ ngư trường hơn lúc nào hết lực lượng kiểm ngư cùng lực chượng chấp pháp trên biển phải kịp thời chỉnh đốn đội ngũ, tăng cường hoạt động trên biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ cho ngư dân yên tâm bám biển trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tổ chức lại đội hình ra biển theo nguyên tắc: Liên kết công việc, liên hoàn hoạt động, liên thông liên lạc, liên tục bám biển. Các lực lượng ngư dân cùng với kiểm ngư của địa phương cần tạo thành những đội hình ra biển với tâm thức mới, tư thế mới có khả năng “tự chủ, tự quản, tự điều chỉnh, tự ứng phó với thiên tai và nhân tai” khi tiến hành đánh cá trên biển và đặc biệt ở những ngư trường biển xa bờ.

Muốn vậy chúng ta không chỉ nâng cao nhận thức về bảo vệ ngư trường và nguồn lợi thủy sản cho các cộng đồng ngư dân đánh cá xa bờ như lâu nay mà Nhà nước phải có chính sách đặc thù để ngư dân bám biển, phải xây dựng và trang bị cho các cộng đồng ngư dân trên biển có năng lực đủ mạnh để chuyển từ “đối phó bị động” sang “ứng phó chủ động” trong mọi tình huống trên biển.

Người ngư dân khi bước chân xuống thuyền và “cột chặt” cuộc đời với cánh buồm là sẵn sàng đón nhận các rủi ro. Họ là người dám mạo hiểm, có bản lĩnh và dũng cảm khi đối mặt với thử thách. Vì thế, khi Tổ quốc lâm nguy, chắc chắn tinh thần yêu nước của họ cũng sẽ trỗi dậy và “tố chất anh hùng” vốn có sẽ xuất hiện và làm nên chiến công.

Vì thế, tiếp cận “chủ quyền dân sự” thông qua hiện diện dân sự của ngư dân chính là đảm bảo các vùng biển nước ta luôn có chủ. Tổ quốc phải có nhân dân cũng giống như biển đảo phải có ngư dân nhất là khi đất nước chúng ta bị các thế lực cường quyền đe dọa.

Với tổng số 130.000 tàu thuyền đánh cá, hàng ngày có đến 10% tổng số tàu của ngư dân hiện diện thường xuyên trên các vùng biển của Tổ quốc. Đây chính là lực lượng nòng cốt, không thể thiếu trong chiến lược phát triển và bảo vệ biển đảo của đất nước.

Vì thế, Nhà nước phải đảm bảo các điều kiện cần thiết, tối thiểu để ngư dân tiếp tục ra biển và luôn sát cánh cùng lực lượng chấp pháp trong sản xuất cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đồng hành cùng ngư dân bám biển

Đồng hành cùng ngư dân bám biển

Chúng ta cần phát huy được hoạt động của các quỹ nghề cá, quỹ hỗ trợ nhân đạo ngư dân. Đồng thời phát động đóng góp của toàn xã hội để lôi cuốn nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài chia sẻ tấm lòng yêu nước thông qua những hoạt động hỗ trợ thiết thực, gián tiếp đồng hành với ngư dân ra biển.

Về lâu dài, Nhà nước cần ban hành chính sách “tam ngư” để giải quyết đồng bộ 3 vấn đề: Ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường. Không nên coi 3 vấn đề đặc thù đối với nghề cá của một quốc gia biển như Việt Nam lại chỉ là một phần không đầy đủ của chính sách “tam nông” như hiện nay.

Chỉ có thể mới phát huy được sức mạnh của ngư dân và nghề cá trong tương lai cũng như thế mới bảo vệ được ngư trường và chủ quyền vùng biển. Khi đó Nhà nước mới thể hiện được sự quan tâm và đánh giá đúng vai trò của ngư dân Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Bên cạnh vấn đề cải thiện đời sống và nâng cao trình độ cho ngư dân, củng cố và phát triển nghề cá nhỏ truyền thống ven bờ thì cần xây dựng một nghề cá lớn hiện đại.

Đây không chỉ là những đòi hỏi trước mắt mà là vấn đề lâu dài nhằm phát triển kinh tế biển cũng như ứng phó với nhân tai ngày càng hiện hữu và khó lường. Nó cũng giống như ứng phó với thiên tai đặc biệt là tác động của biển đổi khí hậu với dự báo rằng các nguồn lợi thủy sản sẽ di chuyển ra xa bờ và hai phía cực Trái Đất.

Vì thế, cần tổ chức lại sản xuất nghề cá trên biển trong xu thế hội nhập và chuẩn bị để đi xa hơn nữa ra đại dương với mô hình “hạm tàu” đánh cá.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/can-lam-gi-de-ho-tro-ngu-dan-bam-bien-post241051.info